Đọt choại – Món ngon dân dã của người Hậu Giang
Món đọt choại có thể ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm đều ngon. Luộc đọt choại xong đừng quên giữ lại nước.
Đọt choại – đặc sản Hậu Giang – một loại rau thuộc họ dương xỉ. Đọt choại có hình dáng rất lạ mặt, trên đầu uốn cong, thân mảnh, nếu mới nhìn chắc ít ai có thể nghĩ đây là nguyên liệu để làm nhiều món ăn ngon như vậy.
Đọt choại có thể chế biến thành nhiều món nhưng ngon nhất là đọt choại xào. Bởi sự dân dã, bình dị, mang đậm nét quê nên đọt choại được các bà nội trợ miệt vườn chế biến thành rất nhiều món rất đa dạng không chỉ làm hấp dẫn cho bữa cơm gia đình mà còn không thể thiếu trong ẩm thực Hậu Giang.
“Rủ nhau lên đất bảy làng
Hái rau choại chột, nhổ bàng về đương
Choại chột thì chấm nước tương
Bàng thì đương nóp người thương tôi nằm”
Món đọt choại có thể ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm đều ngon. Luộc đọt choại xong đừng quên giữ lại nước. Nước này dằn chút muối, bột ngọt sẽ trở thành món canh nóng hấp dẫn, ấm bụng sau bữa cơm thú vị. Nhưng thích hơn cả là khi ăn sống hoặc luộc đọt choại kèm với cá thác lác cườm đặc sản Hậu Giang chiên, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui sẽ vô cùng thích thú.
Khi ăn đọt choại bạn sẽ cảm nhận được độ giòn mềm làm giảm sức nóng miếng cá chiên, quyện trong nước bọt tạo thành những hương vị lạ lùng khó diễn tả. “Cao cấp” hơn một chút, người ta dùng đọt choại xào tép. Lựa một mớ tép bạc rửa sạch, lột bỏ vỏ xào chung với đọt choại, nếm vừa ăn là có một bữa ăn nhanh, ngon, bổ, rẻ và an toàn, vì đọt choại là “rau sạch”.
Loại đặc sản đọt choại vườn này thường thấy dọc theo quốc lộ 61 từ thành phố Vị Thanh đến ngã ba Cái Tắc và ở huyện Long Mỹ. Trong chốc lát, bạn đã có một giỏ đầy đọt choại xanh nõn, tươi non.
Leave a Reply