Đặc sản Cù Lao Chàm có gì đặc biệt
Qua khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An thì hiện tại người dân ở Cù Lao Chàm có khoảng gần 80 loại cây lá rừng được sử dụng, khoảng gần 40 loại rau rừng, trong đó có vài loại chỉ riêng có ở Cù Lao Chàm như lá đỏ ngọn, sứng, lá sân,…
Ăn rau rừng, uống nước lá lao là những trải nghiệm thú vị mà bất kỳ du khách nào cũng nên nếm thử khi đến Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An, Quảng Nam). Đây cũng chính là điểm nhấn độc đáo khi nhắc đến ẩm thực ở đảo Cù Lao Chàm chứ không chỉ là những loại hải sản tươi ngon.
Đến biển, không ăn hải sản, mà chỉ khoái thưởng thức rau rừng. Điều lạ lùng này vẫn thường xuyên diễn ra khi du khách đến Cù Lao Chàm. Với ai đã từng có dịp một lần ăn rau rừng Cù Lao Chàm, thì không thể nào quên được hương vị tươi giòn với đủ cách chế biến.
Đến đảo, ăn rau rừng, uống nước lá lao
Thiên nhiên ưu đãi nên rau rừng ở các chân núi quanh đảo Cù Lao Chàm có đến vài chục loại với những cái tên rất dân dã: rau dớn, rau lủi, rau sân, mã đề, rau má,… Rau rừng luộc đã thành “đặc sản thương hiệu” mà bất cứ nhà hàng, quán xá nào cũng đưa vào thực đơn mời du khách đến Cù Lao Chàm và được ưa thích vì sự phong phú, lạ lẫm của mùi vị từng loại rau, có ngọt, đắng, chua, giòn, dai, mềm. Một số loại có dược tính như giải nhiệt, thanh nhiệt (rau me, rau đậu); tăng thể lực, kích thích thần kinh (rau mặt trời); vitamin E (đột choại); thậm chí có loại như rau chân vịt được nghiên cứu vì có chất hỗ trợ chống ung thư.
Cù Lao Chàm còn có đặc sản lá rừng (lá lao), dùng để nấu nước uống như nước chè. Người dân trên đảo thường vào rừng hái các loại lá về phơi khô và để uống vào dịp Tết Đoan ngọ, như một cách thanh lọc cơ thể, nên lá rừng còn được gọi là “lá mùng năm”. Hương vị của nước lá thơm mát, đậm đà, lại có tác dụng giúp ngủ ngon, giải độc cho cơ thể nên trở thành đặc sản của xứ đảo mà du khách nào đến đảo cũng tìm mua về làm quà.
Có rất nhiều loại lá được hái và trộn vào thành lá lao như dứa, bầu đường, từ bi, bầu đề núi, é, sanh núi, ngũ gia bì, nhàu, thụt đọt, ổi tàu, da lông, nhãn núi… Có loại phải lấy cả thân, rễ, lá; có loại chỉ lấy mỗi lá. Lá hái về băm nhỏ, phơi khô, rồi trộn đều các thứ vào, cho vào bao ny lông bán cho du khách. Nếu không thích có thể dùng riêng từng loại với nhiều công dụng khác nhau.
Qua khảo sát của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản Hội An thì hiện tại người dân ở Cù Lao Chàm có khoảng gần 80 loại cây lá rừng được sử dụng, khoảng gần 40 loại rau rừng, trong đó có vài loại chỉ riêng có ở Cù Lao Chàm như lá đỏ ngọn, sứng, lá sân,…
Hướng đến sản phẩm mang “thương hiệu Cù Lao Chàm”
Rau rừng và lá lao nay đã trở thành đặc sản của đảo. Nhiều người lớn tuổi có thể cải thiện thu nhập nhờ vào việc đi hái rau rừng, lá lao. Nhờ vào thổ nhưỡng, khí hậu ở đảo nên nhiều loại cây thuốc quý phát triển, là vị thuốc nam được nhiều thương nhân buôn bán thuốc bắc, thuốc nam ghé đảo tìm mua về chữa bệnh. Hiện có khoảng chừng 10 người chuyên hái rau rừng, như vợ chồng ông Lê Học, bà Lý, bà Nhiều (xóm Cấm); bà Siêng, bà Chứt, bà Lê (Bãi Làng).
Theo ông Lê Học (xóm Cấm) thì rau có nhiều vào mùa mưa. Một số loại như rau đỏ ngọn, bìm bìm,… mọc ở những khu vực triền đồi hiểm trở, nếu không có kinh nghiệm thì dễ gặp nguy hiểm khi hái chúng. Mỗi ngày hái 2 lần, sáng và chiều, mỗi lần đi chừng 2-3 tiếng đồng hồ, có thể mang bán cho các nhà hàng hoặc bán trực tiếp ở chợ. Bình quân thu nhập của một người hái rau rừng bán vào mùa đông khách du lịch chừng 100-200 ngàn/ngày.
Ông Nguyễn Từ (70 tuổi, Bãi Làng) cho biết, từ đời ông nội của ông đã có nhiều người vào rừng hái lá vào dịp Tết Đoan Ngọ rồi phơi khô, để dành nấu uống quanh năm và chữa một số bệnh như ho, cảm sốt, đau bụng. Trước đây trong làng chỉ có khoảng 10 người làm nghề này. Nhưng hiện nay nhu cầu tiêu thụ lá lao nhiều nên trong làng có gần 30 hộ thường xuyên hái lá lao, rau rừng.
Trong đợt khảo sát, tham vấn ý kiến cộng đồng về văn hóa ẩm thực ở Cù Lao Chàm do Trung tâm QLBTDS Hội An thực hiện vào năm 2014 thì có khoảng 16 loại thức ăn và 11 loại thức uống được người dân xem như đặc trưng trong sinh hoạt ẩm thực của cư dân đảo. Trong đó, có những món được các nhà hàng giới thiệu với du khách đầu tiên như: rau rừng, rong mứt biển, bánh ít, nước lá lao, nước dứa dại, nước hà thủ ô,…
Mới đây, thực hiện “Dự án đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các làng nông, ngư nghiệp vùng sâu vùng xa” thuộc khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA tại Việt Nam, TP Hội An phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai chương trình phát triển sản phẩm trà lá lao ở Tân Hiệp. Bước đầu, hỗ trợ phương tiện và hướng dẫn cách thức sử dụng máy dập miệng túi, đóng gói sản phẩm bằng túi giấy theo quy trình cho 36 hộ làm nghề khai thác, kinh doanh trà lá lao,… Triển khai trao đổi với bà con về việc khai thác bền vững nguồn lá lao, các lưu ý về an toàn vệ sinh, nâng tầm sản phẩm trà lá lao thông qua việc nâng cấp hình thức bao bì đóng gói.
Leave a Reply