Nhút – món quen của xứ Nghệ nghe lạ tai nhưng được làm từ nguyên liệu mà ai cũng biết và quan trọng là ăn rất ngon
Tuy được xem là một món ăn “nhà nghèo” ở xứ Nghệ nhưng nhút lại góp phần làm cho nền ẩm thực nơi đây đặc sắc và phong phú hơn.
Trong các bữa cơm gia đình Việt Nam, ngoài những món chính như canh, kho hay đồ xào thì các loại dưa chua ăn kèm cũng vô cùng phong phú. Nếu như người miền Bắc thường có thêm những đĩa dưa cải, cà pháo hay ở miền Tây lại chuộng rau muống chua, củ kiệu. Thì đến với vùng đất Nghệ An, bạn sẽ được khám phá một món dưa ăn kèm được làm từ nguyên liệu không ai nghĩ đến. Đó chính là nhút.
Không hiểu vì sao người ta lại gọi bằng “nhút” vì cái tên chẳng hề liên quan đến nguyên liệu chính làm nên món ăn này, trái mít. Ở Nghệ An, nhút rất phổ biến trong những mâm cơm gia đình. Tuy nhiên, để thưởng thức nhút ngon lành nhất thì bạn hãy đến vùng Thanh Chương.
Không phải dễ để chế biến món “đồ nhấm” tưởng như dân dã này. Người ta phải lựa những quả mít non, mỗi năm chỉ có một lần mới mang đúng vị cho món ăn. Sau khi hái mít, gọt vỏ rồi rửa sạch. Phần cơm trắng bên trong sẽ được thái thành những sợi nhỏ dài và đem phơi nắng. Cái nắng gay gắt của miền Trung đã giúp cho những sợi mít khô và se lại.
Để chế biến được phần nhút thơm ngon, đúng chuẩn đòi hỏi người thợ phải khéo léo trong cách gia giảm nguyên liệu. Khi ướp muối phải canh tỉ lệ vừa đủ vì nếu cho nhiều quá món sẽ mặn, ít thì nhút lại chóng hỏng. Sau đó cho vào chum vại, đổ thêm nước rồi đậy kín để ủ như các loại dưa muối khác. Tầm 5 – 6 ngày là nhút đã thấm tháp gia vị và có thể dùng quanh năm.
Không đơn giản chỉ là một món đồ chua cho bữa ăn thêm ngon miệng mà nhút còn có thể chế biến thành nhiều hương vị hấp dẫn. Tùy mùa mà người xứ Nghệ kết hợp nguyên liệu để nấu cùng nhút. Chẳng hạn như ngày hè nóng nực thì một tô canh cá nhút hay những khi đông về se lạnh thì đĩa nhút xào thịt bò lại làm ấm cơ thể nhanh chóng.
Hôm nào lười đi chợ, chỉ cần pha chén chẻo rồi chấm cùng nhút, thế là đã có món ăn vô cùng “đưa cơm” rồi đấy. Chẻo được xem là “một nửa” ăn ý của nhút, được làm từ đậu phộng rang giã nhuyễn, thêm đường, mắm và ớt. Bát cơm dẻo thơm, nóng hổi lẫn trong vị nhút giòn giòn, mằn mặn rồi thêm nước chấm béo bùi làm người ta thấy “ấm lòng chắc dạ” hẳn.
Nhút nghe có vẻ “quê mùa” nhưng đối với người Nghệ An, đây lại là hương vị gắn bó từ lâu đời và góp vị vào cho bữa ăn thêm đậm đà, phong phú. Để rồi mỗi khi xa nhà ai cũng thấy nhung nhớ khôn nguôi cái vị mằn mặn, bùi bùi của món ăn này.
Leave a Reply