Bánh phồng Làng Vẽ – Món bánh độc đáo của những giai thoại xưa
Sự phong phú trong ẩm thực Việt Nam được hình thành tạo dựng từ những nét đặc trưng ẩm thực địa phương đa dạng trong đó có ẩm thực Hà Nội rất đáng chú ý. Có dịp lùi về những giai thoại xưa liên quan đến ẩm thực Hà thành, dường như không thể không nhắc đến món Bánh phồng Làng Vẽ khá nổi tiếng.
Nằm trong những món bánh để tiến vua ngày xưa, Bánh phồng Làng Vẽ không chỉ đơn thuần là chiếc bánh gạo giản dị như bao loại bánh phồng khác có mặt ở khắp đất nước mà du khách đã gặp trong những chặng đường du lịch của mình. Chiếc bánh này còn chứa đựng trong nó những câu chuyện mang tính lịch sử, nghệ thuật mà qua bao ngày tháng tồn tại, vẫn đượm chất bùi riêng biệt và sự thú vị đặc biệt không thay đổi. Bánh phồng Làng Vẽ – nghe cái tên thật mộc mạc nhưng để làm nên chiếc bánh thì hết sức công phu và tỉ mỉ. Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo nếp ngâm nước bấc, đồ xôi, giã nhuyễn thành bột dẻo và nặn bánh rồi rán phồng.
Cái quyết định để tạo hương vị ngon cho chiếc bánh phồng nằm ở nhiều yếu tố nhưng trước hết là gạo nếp. Gạo nếp làm bánh phồng nhất định phải là gạo nếp quê đẫy hạt thì mới tạo nên độ dẻo đúng của bột bánh, giúp bánh phồng ngon. Sau gạo nếp thì hẳn nhiên thành phần quan trọng là nước bấc để ngâm gạo. Nước bấc này gồm có đủ 5 vị là lá trầu không, bồ kết, vỏ cây vông vang, cây bấc đèn và củ ráy. Hỏi tại sao phải có đủ 5 vị này, có lẽ không phải ai cũng trả lời được. Nhưng dù có thế nào làm bánh phồng làng Vẽ thì nhất định phải có đủ 5 vị ấy. Người ta bỏ 5 nguyên liệu này vào trong nồi nước, đun thật lâu, lấy nước. Khi nước này còn độ ấm thì bỏ nếp vào ngâm khoảng nửa tiếng rồi nấu thành xôi. Xôi chín, người ta giã như giã bánh giày, nặn thành bánh, rồi mang phơi khô. Để bánh khô cũng phải phơi qua đến hơn 5 lần nắng to thì mới được. Bánh khi phơi khô được cất giữa cẩn thận trong các chum vại bằng sành được đậy nắp kín. Khi nào thưởng thức thì người ta mang bánh ra rán bằng mỡ lợn, bánh phồng to trắng đều sẽ được vớt ra cho ráo. Đến đây bánh phồng cũng chưa hẳn là trọn vẹn. Bánh phải được nhúng qua một lớp đường đun chảy nữa sao cho lớp đường phủ bánh một lớp mỏng thì mới được. Khi thưởng thức, chiếc bánh phồng giòn tan vừa bởi phần nếp, vừa phần lớp đường phủ bên ngoài, làm cho chiếc bánh vừa giòn tan, vừa thơm vừa ngọt béo khiến người thưởng thức khó lòng mà cưỡng lại.
Qua chi tiết công đoạn làm bánh, hẳn nhiên bạn cũng hình dung phần nào Bánh phồng Làng Vẽ đặc biệt như thế nào. Công đoạn và cách làm công phu đã mang lại hương vị đặc biệt cho bánh. Nếu du khách có dịp thực hiện các tour du lịch Hà Nội, nhớ ghé ngoại thành, đến vùng Đông Ngạc để thử qua một lần chiếc bánh phồng Làng Vẽ, để hiểu thêm hương vị tiến vua ngày xưa, và vị ngon tinh tế của chiếc bánh phồng làm nên giai thoại trong ẩm thực của đất nước như thế nào.
Leave a Reply