Bánh lòng Kinh Môn món bánh dân dã của người dân Hải Dương
Ở xứ Kinh Môn để làm ra miếng bánh ngon phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh dày, chè lam… bởi vị ngọt dẻo bùi, thơm, cay nhẹ của gừng, bông gạo nếp cái, đậu phộng và đường quyện lại. Sản vật của vùng đất núi dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chỉ cần thử một lần cũng khó có thể quên được.
Bánh lòng là đặc sản nổi tiếng của Hải Dương gắn liền với hai xã An Phụ và An Sinh thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương. Công đoạn chế biến món bánh này tốn khá nhiều thời gian và công sức.
Khâu chọn nguyên liệu được tiến hành rất kỹ lưỡng: gạo nếp phải chọn loại ngon nhất, hạt to đều, mới được phơi già, lạc phải là chọn những hạt già, mẩy; vừng chọn loại vừng đen là ngon nhất, hạt già và to… đây là khâu rất quan trọng để tạo được độ ngon đặc trưng cho bánh.
Trước khi bắt tay vào đổ khuôn cho bánh, một số nguyên liệu cần phải sơ chế sẵn như gạo nếp cái hoa vàng được nổ thành bỏng rồi đập vụn càng nhỏ càng tốt, gừng được cạo và rửa sạch, đến công đoạn đóng khuôn, lạc được rang thơm, sẩy sạch vỏ, gừng giã nát đem nấu sôi cùng với nước đường, vừng rang chín cho đến khi có mùi thơm.
Sau khi đã xong hết thì cho tất cả mọi nguyên liệu: bỏng đập nát, dừa khô, lạc, vừng, thịt ba chỉ, mứt, hương liệu vào nồi đường cô đảo thật đều, nhanh, nhuyễn. Khâu này là khâu rất khó, vì nếu ta đổ chậm hoặc không nhanh tay thì sẽ không đảo được quánh hết tất cả, đường gặp bỏng nếp sẽ bị vón thành nhưng cục lớn, nên phải thật nhanh tay đảo lên. Khi nguyên liệu đã được đảo đều, đổ bánh vào khuôn để ép. Phải ép là sao cho thật vuông hết các góc của khuôn, nén sao cho thật chặt để khi bỏ khuôn ra thì bánh không bị chảy xệ xuống vì bánh vẫn còn rất nóng.
Bánh lòng càng nhiều gừng thì ăn càng thơm, càng cay, ăn càng ngon. Một chiếc bánh đạt chuẩn là bánh dùng dao cắt ngọt, ăn dai, ngọt thanh, cay và rất thơm. Có thể để bánh trong một thời gian dài.
Leave a Reply