Đọt mây nướng, lá nhíp xào món đặc sản quen mà lạ ở vùng đất Bình Phước
Đọt mây nướng trên than hoa có lẽ giữ được hương vị hơn cả. Đọt mây thường được nướng lên rồi chấm với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt chút nước chanh. Khi ăn đọt mây không thấy dai mà thơm giòn. Món nướng ăn có vị đắng hơn xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của đọt mây.
Đọt mây nướng than hoa ăn đăng đắng nhưng sau đó vị ngọt sẽ lan tỏa nơi cổ họng, lá rau nhíp dẻo, ngọt và bùi là những đặc sản quen mà lạ ở vùng đất Bình Phước.
Đọt mây
Đọt (ngọn) mây vốn là nguyên liệu để chế biến các món ăn trong bữa cơm hằng ngày của đồng bào S’tiêng tại Bình Phước. Với vị ngọt, đắng, bùi, béo lại giàu chất dinh dưỡng, đây là món ăn nhanh chóng hút hồn du khách và trở thành một món đặc sản mà khách du lịch tới Bình Phước đều thích thú.
Cây mây thuộc họ cau, gồm nhiều loại khác nhau, nhưng chỉ có loại mây trắng là được ưa dùng. Chúng có thân dạng dây, dài hàng chục mét. Người ta lấy đọt bằng cách rút sợi mây xuống để hái. Ngày nay, mua đọt mây khó hơn trước đây vì rừng khan hiếm.
Đọt mây nướng than hoa – món ăn nhiều người ưa thích khi đến Bình Phước.
Đọt mây nướng trên than hoa có lẽ giữ được hương vị hơn cả. Đọt mây thường được nướng lên rồi chấm với muối hột dầm ớt hiểm (ớt thóc) có vắt chút nước chanh. Khi ăn đọt mây không thấy dai mà thơm giòn. Món nướng ăn có vị đắng hơn xào, nhưng chính vì đắng mới cảm nhận được độ ngọt của đọt mây. Nếu ăn xong một đọt mây, húp thêm một muỗng canh thụt (hay còn gọi là canh bồi, canh đại ngàn) thì còn ngon vô cùng. Ăn xong, đọt mây đọng lại ở cổ họng vị the the đắng, ngọt bùi và mát, một hỗn hợp đắng, bùi, nhôn nhốt chua; cứ đượm giọng mãi.
Lá nhíp
Khi trào lưu thưởng thức các món ăn vùng núi rừng ngày càng phát triển thì những thứ rau rừng tự nhiên như rau nhíp lại trở thành đặc sản, được xem như thứ rau sạch hương vị lạ thu hút thực khách từ miền ngược tới miền xuôi.
Lá nhíp, rau nhíp khá phổ biến ở Bình Phước và có thể mua ở hầu hết các phiên chợ. Màu sắc lá cũng biến đổi theo từng quy trình sinh học, khi còn non có màu đỏ gạch, thêm chút tuổi sẽ có màu vàng nhạt, xuân sắc nhất là màu xanh non, về già là xanh đậm. Đây là loài rau của tự nhiên, mọc quanh năm nhưng ngon nhất là sau khoảng 5-6 trận mưa đầu mùa.
Lá rau nhíp khi nấu lên sẽ có vị bùi bùi rất hấp dẫn. Ảnh: I.T
Khi nấu chín, lá có vị dẻo, ngọt và bùi. Không chỉ thơm ngon, lá nhíp còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khoẻ. Ngoài dùng để nấu canh thụt, rau nhíp còn được các quán ăn, nhà hàng biến chế thành nhiều món ăn hấp dẫn như: lá nhíp xào với thịt bò, lòng gà, nấu lẩu, nấu canh với cá, tôm…
Để chế biến món ăn này, rau nhíp nhặt bỏ những lá sâu, rửa sạch, để ráo, vò sơ. Tỏi củ bóc vỏ, bằm sơ, sau đó xào với dầu nóng, rồi cho rau nhíp vào đảo nhanh tay rồi cho thịt bò đã được xào sẵn vào rồi rắc tiêu thơm nức. Khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được cả hương vị của núi rừng cứ thấm đẫm nơi đầu lưỡi.
Leave a Reply