Gỏi tré Sài Gòn có gì khác tré miền Trung?
Người miền Trung thường chỉ chấm tré với tương ớt là đủ mồi nhậu nhưng ở Sài Gòn, người bán biến tấu thành món gỏi hợp khẩu vị nhiều người.
Tré vốn là món nhậu quen thuộc của người miền Trung, thường đi cùng nem chua, chả… Vị béo của mỡ heo, sụn tai dai sần sật kèm với vị chua nhẹ của cây tré để tầm 2 ngày, trộn cùng nhiều gia vị vừa cay, vừa lạ miệng không chỉ khiến cánh đàn ông mê tít trên bàn nhậu mà còn là món ăn vặt khoái khẩu của các cô gái những khi buồn miệng cuối giờ làm việc.
Tré được làm từ các loại thịt vai, mông, ba chỉ lợn trộn với tai, mũi, da… Khác với nem chua là lên men thịt sống, thì tré được nấu chín hoàn toàn trước khi nén thành cây để ăn dần, khá an toàn khi sử dụng. Mỗi loại thịt chế biến theo một kiểu khác nhau. Đầu tiên, người ta hấp thịt khoảng một tiếng, riêng thịt nạc sẽ được rim đến khi chín vàng đều sau đó đem thái theo nhiều kiểu khác nhau như: Thịt nạc, bì (da) thì thái sợi, thịt mông, ba chỉ và các phần có sụn như tai, mũi… thì thái lát mỏng ăn cho đỡ ngán. Sau khi ướp thêm gia vị, trộn với riềng thì hỗn hợp thịt này được nén chặt lại thành một cây dài, bọc trong lớp rơm khô treo thành chùm để có thể lưu trữ lâu ngày.
Món này có thể ăn ngay sau khi làm, hoặc đợi 1-2 ngày nếu bạn thích vị chua. Người miền Trung thường chỉ chấm tré với tương ớt là đủ làm mồi nhậu. Nhưng khi về Sài Gòn, người bán biến tấu thành món gỏi hợp khẩu vị nhiều người. Gỏi tré phải trộn với cóc non, rau răm, ớt đỏ xắt lát và thêm một chút nước mắm nguyên chất, điều chỉnh vị vừa ăn là hết sẩy.
Tùy từng nơi mà giá khác nhau. Những người bán tré dạo tầm 20.000 đồng là có một hộp ngon lành, nhưng cũng có nơi bạn phải bỏ tầm 100.000 đồng/hộp nếu muốn ăn loại đặc biệt kèm với nem chua và chả bò. Món này rất thích hợp để làm nhâm nhi với bia hay rượu đều ổn.
Leave a Reply