Quy trình chế biến độc đáo của món cháo Se ngoại thành Hà Nội

Gạo nấu cháo Se phải là gạo tẻ ngon, vo thật kỹ rồi đem xay thành bột nước sau đó cho vào túi vải treo lên cho róc bớt nước đến khi còn lại một quả bột mềm dẻo quyện chặt.

Đó là món cháo Se hay còn được nhiều người gọi vui là “cháo gắp” bởi khi ăn thay vì dùng thìa xúc thì thực khách sẽ dùng đũa để gắp cháo. Cái tên của món ăn chắc hẳn sẽ gợi cho nhiều người sự tò mò và muốn tìm hiểu. Nếu là một tín đồ ẩm thực, bạn sẽ không hề thấy uổng công khi bỏ chút thời gian tìm đến với thôn Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội để thưởng thức này.

Se bột là công đoạn khó nhất và thường có từ 2 – 4 người cùng làm cho nhanh

Cháo Se là món không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết hoặc những sự kiện quan trọng của người dân làng Hạ Mỗ. Trong mâm cỗ, cháo Se thường được múc vào những bát nhỏ và được dùng trước những món chính như một món ăn khai vị. Nguyên liệu để nấu món cháo Se tuy đơn giản nhưng cách chế biến lại rất cầu kỳ.

Chị Ngân, Phó Chủ tịch xã Hạ Mỗ, người có kinh nghiệm nấu món cháo Se cho biết: Gạo nấu cháo Se phải là gạo tẻ ngon, vo thật kỹ rồi đem xay thành bột nước sau đó cho vào túi vải treo lên cho róc bớt nước đến khi còn lại một quả bột mềm dẻo quyện chặt. Nước dùng cho món cháo Se được làm từ xương ninh nhừ nhưng phải là xương đuôi heo mới ngon. Lúc ninh xương nhớ giữ cho nước dùng trong và không còn gợn bọt để cháo được thơm và không bị ngả màu. Ngoài nước dùng được ninh từ xương heo thì phải có thêm thịt nạc băm nhỏ xào với hành khô.

Khi xương đã nhừ, người nấu cháo sẽ lấy từng phần bột nhỏ cho vào lòng bàn tay và xoe thật đều thành những con se có sợi dài to bằng ngón tay thả thẳng vào nồi nước dùng đang sôi trên bếp. Những con se rơi vào nồi đến đâu sẽ chín ngay đến đó mà không hề bị dính vào nhau. Để nấu một nồi cháo to cho vài chục mâm cỗ sẽ có khoảng 2 – 4 người cùng nhau ngồi se bột, vì đây là công đoạn rất mất thời gian.

Bí quyết để nấu được một nồi cháo Se ngon là phải nấu bằng nồi gang và nấu trên bếp củi với lửa vừa phải để giữ cho cháo không bị bén nồi. Sau khi công đoạn se bột hoàn tất, đầu bếp sẽ dùng 1 đôi đũa cán dài khuấy thật nhẹ tay, những con se khi bị tác động sẽ gãy thành những đoạn ngắn với nhiều kích cỡ chứ không chảy thành sợi như ban đầu nữa. Trong quá trình nấu, một phần bột sẽ tan ra trong nồi cháo khiến cho những con se bị ngót nhỏ lại và nồi cháo sánh hơn. Khi cháo chín, các con se có màu trắng trong và không còn lõi bột, lúc này cho thịt nạc đã xào vào nồi cháo, nêm gia vị vừa miệng là múc ra bát và đừng quên rắc chút hạt tiêu cho thơm. Cháo Se ăn khi còn nóng và vào những ngày trời lạnh sẽ rất hợp, chị Ngân chia sẻ thêm.

Cháo Se là món ăn không thể thiếu vào những sự kiện đặc biệt của làng Hạ Mỗ

Thay vì dùng thìa để xúc, người ăn sẽ dùng đũa gắp từng miếng cháo Se đưa vào miệng. Độ thơm dẻo dịu nhẹ của gạo quê, ngọt tự nhiên của thịt lại thêm vị béo vừa đủ của nước hầm xương hòa quyện khiến cho thực khách vừa thưởng thức vừa ngẫm nghĩ về sự hấp dẫn lạ lùng của món ăn. Cảm giác thú vị cứ lần lượt xuất hiện cho đến khi miếng cuối cùng vừa hết. Những ai lần đầu được ăn cháo Se đều bật cười thích thú với cách thưởng thức hết sức đặc biệt này.

Chẳng biết món cháo Se bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ nhưng đây quả thật là món ăn độc đáo mà ai cũng nên thử một lần cho biết!

Cùng Danh Mục:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *