Chợt thèm rau má nấu canh một hương vị khó quên của người Việt

dại luôn là món ăn dân dã, bình dị nhưng lại rất thích hợp trong mùa hè và đã trở nên quen thuộc với ngoại tôi vào những độ chớm hè, vừa mát dạ lại vừa rất… “nên thuốc”

Khi mùa mưa bắt đầu kéo về dải đất Miền Trung và tưới tắm cho cỏ cây trên đồng đâm chồi nảy lộc, tôi lại nhớ đến món canh dại hái ngoài vườn ngoại vẫn thường nấu cho anh em chúng tôi ăn vào những ngày còn thơ bé. Ngoại tôi mê món canh dại nấu với tôm đất như mê con người và vùng đất miệt duyên hải này. Món canh dại giản dị ấy của ngoại từ những ngày cơ cực đã thấm đẫm vào tuổi thơ tôi, theo tôi lớn lên cùng những buổi trưa hè hanh nắng, và bây giờ vẫn còn ngòn ngọt nơi đầu môi tôi mỗi khi ký ức của những ngày thơ bé bất chợt ùa về.

Chẳng biết tự bao giờ, rau má dại ngoài vườn nhà ngoại đã trở thành thứ rau giải nhiệt đầu hè, khi những cơn mưa chỉ vừa mới chập chờn nơi bãi ngô vườn mía trước đó vài tuần. Những ngày dải đất Miền Trung vào thời khắc giao mùa là những ngày cần dùng đến rau má dại nhất trong năm của ngoại. Ngoại thường chép miệng và bảo: “Những ngày đầu hè thế này mà có tô canh rau má dại ăn vào thì cơ thể sẽ được giải nhiệt ngay tức khắc, chẳng cần phải uống nhiều loại thuốc hay nước mát thanh nhiệt chi hết”.

Rau má ở nước ta thường có hai loại: rau má dại (mọc tự nhiên ngoài vườn) và rau má trồng (do nông dân trồng và chăm sóc cẩn thận). Tuy cũng là dòng giống rau má nói chung nhưng rau má dại, vì mọc tự nhiên ngoài vườn, nên chúng luôn có sức sống mãnh liệt hơn với bộ rễ khỏe, chịu hạn tốt và cũng được nhiều người yêu thích hơn rất nhiều so với rau má nhà trồng. Cũng vì lẽ đó mà rau má dại luôn thơm ngon hơn, thân và lá thường có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng vì chúng là loại rau hữu cơ chính hiệu. Ở quê ngoại, hàng năm khi trời vừa chuyển mùa, rớt ít hạt mưa, mặt đất chỉ âm ẩm vài hôm thôi cũng đủ để những nhành rau má dại bò lan nơi góc vườn giật mình tỉnh giấc, đâm chồi nảy lộc và vươn vai đón ánh nắng trời.

Và chỉ cần vài ba tuần kể từ khi mấy cơn mưa đầu mùa trút xuống nữa thôi, những cọng rau má sẽ nhanh chóng vươn lên mướt xanh ngoài vườn. Khi ấy, đôi bàn tay già khẳng khiu của ngoại sẽ nhẹ nhàng ngắt từng chiếc lá non tơ đem về làm nguyên liệu cho những bát canh ngày hè thêm ngọt mát. Những hôm rau hái được nhiều, ngoài nấu canh, ngoại còn tẩn mẩn giã nát rồi lược lấy nước rồi thêm đường cho chúng cháu giải khát. Thứ nước ép rau má dại của ngoại có cách chế biến tuy thật đơn giản nhưng lại ngọt mát vô cùng. Ngoại tôi thích nấu canh rau má dại với tôm đất vừa vừa con, nghĩa là ngoại chỉ chọn những con tôm đất vừa lớn tới. Ngoại nói những con tôm đất vừa lớn tới như thế luôn làm cho nồi canh ngọt nước và thơm ngon hơn rất nhiều. Ngoại còn nói, người có kinh nghiệm chế biến ít khi chọn những cọng rau má dại quá già, bởi nó làm nồi canh không ngọt nước và khi ăn sẽ có cảm giác xàm xạm trong miệng mất ngon. Bao giờ cũng vậy, ngoại luôn tẩn mẩn hái những lá rau má dại ngoài vườn một cách từ tốn, bình yên như sợ chúng trốn chạy khỏi mảnh vườn nhà mình và năm sau không còn để hái. Ngoại bảo, hái rau má dại nhẹ nhàng như thế sẽ làm chúng càng nhanh đâm chồi nảy nhánh, càng nhanh có thêm lá non để ăn. Chuẩn bị nguyên liệu nấu canh xong, ngoại mới lọm cọm bắc nồi lên bếp, đợi nóng mới cho thêm chút mỡ nước, phi thơm hành và trút tôm đất vào xào. Khi tôm đất săn mình trong mỡ nóng, ngoại mới đổ nước vào nồi, đun già lửa cho nhanh sôi rồi thả rau má dại vào nồi, nhanh tay nêm nếm cho nồi canh với các gia vị quen thuộc vừa ăn rồi cắt nhỏ hành ngò cho vào sau cùng để mùi thơm dậy hơn là được. Chỉ đơn giản vậy thôi là ngoại đã hoàn thành xong nồi canh rau má dại nấu tôm đất ngon hết ý làm cả nhà ai cũng tấm tắc khen ngon.

Canh rau má dại luôn là món ăn dân dã, bình dị nhưng lại rất thích hợp trong mùa hè và đã trở nên quen thuộc với ngoại tôi vào những độ chớm hè, vừa mát dạ lại vừa rất… “nên thuốc”. Vì theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy. Từ những năm 1940, y học hiện đại đã bắt đầu nghiên cứu những tác dụng của rau má. Rau má có những hoạt chất thuộc nhóm saponins (còn được gọi là tripernoids) bao gồm asiaticoside, madecassoside, madecassic acid và asiatic acid. Hoạt chất asiaticoside đã được ứng dụng trong điều trị bệnh phong và bệnh lao. Từ lâu đời, nền y học cổ truyền Trung Quốc, Ấn Độ cũng như y học dân gian nước ta đều có truyền thống sử dụng rau má làm thuốc hoặc làm thức ăn. Và trong Đông y, rau má thường được phối hợp với đậu đen hoặc mè đen chế thành hoàn để làm thuốc bổ dưỡng cho trẻ em, người già hoặc người ốm mới dậy. Ở Ấn Độ, rau má còn được gọi là Brahmi – hàm nghĩa một loại dược thảo có thể giúp con người tiến đến sự hoà hợp với tâm thức vũ trụ; và do đó chúng thường có trong khẩu phần ăn của những vị thiền sư, những nhà yogi hay những nhà thông thái. Ngoài ra, rau má còn tác dụng lên hoạt động của hệ thần kinh trung ương, làm giảm căng thẳng tâm lý, tăng cường khả năng tập trung tư tưởng và giúp cải thiện trí nhớ của người già rất tốt.

Trong thời đại mà ai ai cũng lo rau nhiễm phân hóa học, hóa chất, thuốc trừ sâu… thì có một ít rau má dại hữu cơ nấu với tôm đất như ngoại vẫn làm vào những ngày thơ bé cho anh em chúng tôi ăn thì còn gì tuyệt vời bằng. Tuy rau má ngày nay cũng không còn mang nickname là “rau quê” nữa, vì chúng đã có mặt ở hầu hết các chợ trên thành phố, và vẫn là rau má đấy thôi, nhưng sao ăn vào tôi vẫn có cảm giác lo lo, không “mạnh miệng” như ăn tô canh rau má dại của ngoại ngày nào.

Cùng Danh Mục:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *