Khám phá ẩm thực truyền thống của đồng bào Chăm phía Tây Nam nước ta
Văn hóa ẩm thực của họ chịu ảnh hưởng Ấn Độ như hương vị cà-ri, hồi, quế… mang đậm chất béo và cay…
An Giang là tỉnh có đời sống văn hóa hết sức phong phú, đa dạng. Là một trong bốn dân tộc anh em cùng sinh sống tại vùng đất biên giới phía Tây Nam Tổ quốc, đồng bào dân tộc Chăm với những giá trị truyền thống đặc trưng là một phần không thể thiếu trong bức tranh văn hóa nhiều màu sắc nơi đây.
Bánh bò nướng, một trong những loại bánh đặc sản của người Chăm
Với hơn 1 vạn người Chăm sinh sống tập trung dọc theo sông Hậu thuộc địa bàn các xã Vĩnh Trường, Đa Phước, Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình (huyện An Phú), xã Châu Phong (Thị xã Tân Châu), xã Phú Hiệp (huyện Phú Tân), xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành), các xóm Chăm yên bình với những thánh đường Hồi giáo nguy nga đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn.
Đến xóm Chăm, điều ấn tượng nhất trong lòng du khách chắc hẳn là hình ảnh các thiếu nữ Chăm xinh đẹp, e ấp bên chiếc khăn choàng đầu được thả lơi hoặc cột gọn bao trùm mái tóc với những họa tiết, hoa văn rất trang nhã. Đàn ông Chăm thì mặc xà-rông kẻ sọc ca-rô, áo sơ-mi… và lúc nào cũng có chiếc nón vải tròn đội đầu.
Tại Châu Phong và Nhơn Hội, du khách có thể ghé thăm một số hộ người Chăm tham gia hoạt động du lịch homestay và thưởng thức những món ăn truyền thống độc đáo như cơm nị, cà pụa, tum lò mò… và rất nhiều loại bánh đẹp mắt. Nấu ăn ngon được xem là một trong những tiêu chí đánh giá sự khéo tay, giỏi giang của người phụ nữ khi đến tuổi dựng vợ, gả chồng… Có lẽ nhờ vậy mà phụ nữ Chăm rất khéo léo trong nấu ăn và tạo ra những món bánh truyền thống.
Văn hóa ẩm thực của họ chịu ảnh hưởng Ấn Độ như hương vị cà-ri, hồi, quế… mang đậm chất béo và cay. Trong các món ăn, bánh của người Chăm, thành phần không thể thiếu là dừa (nước cốt dừa), hầu như món nào cũng sử dụng và liều lượng chỉ gia giảm tùy theo từng loại khác nhau. Nhìn vào có cảm giác rất béo, nhưng khi thưởng thức không hề khó ăn vì kèm theo đó lúc nào cũng đầy đủ các loại phụ liệu như: Bắp cải, cà tím, đậu bắp, đậu que… và được trình bày rất đẹp mắt, ngon miệng.
Một trong những món ăn đặc trưng của người Chăm phải kể đến là món cà ri hay được gọi là cà pụa. Cà ri thường được nấu với các loại thịt bò, dê, cừu, gà, cá được cắt miếng lớn, chiên vàng trước khi nấu… có vị béo và cay, thêm đậu phộng giã nhỏ. Cà pụa thường ăn cùng với cơm nị. Gạo được xào cùng bơ, đinh hương và quế để tạo độ săn và quyện đều mùi thơm, thêm nghệ tươi vào để tạo màu vàng đẹp mắt. Nước dùng nấu cơm phải pha chút muối và cari. Cơm nấu xong thêm nước cốt dừa vào là món cơm nị hoàn thành.
Một điều không thể bỏ sót khi nhắc đến ẩm thực người Chăm là các món bánh truyền thống. Người Chăm rất khéo tay trong việc chế biến các loại bánh ngọt như bánh ha pel (bánh bông lan), bánh ha pây nung (bánh bột đậu chiên), bánh hakchil (bánh in), bánh bò nướng, bánh nhúng, bánh cay… Họ thường tặng bánh cho nhau, bánh ngọt có vị trí thiết yếu trong đời sống vật chất lẫn tinh thần của cộng đồng Chăm. Du khách đến thăm Làng Chăm và một lần thưởng thức những món ăn nơi đây thì mới có thể cảm nhận hết sự đặc biệt từ cách pha chế gia vị trong từng món, hay sự kỳ công làm ra những chiếc bánh của người Chăm.
Những thánh đường nguy nga, những món ăn truyền thống cùng với sự thân thiện, mến khách của người Chăm chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Khi đến đây, du khách đừng quên mang những chiếc bánh đẹp mắt về làm quà nhé.
Leave a Reply