Mộc mạc bánh dừa Bến Tre
Chiếc bánh dừa mộc mạc từ kiểu dáng cho đến hương vị. Ngay cả cái tên cũng rất bình dị – được người xưa lấy tên của loại lá gói đặt cho. Đó là đọt lá dừa non hoặc dừa nước (người quê hay gọi là cà bắp) quấn quanh bên ngoài bánh.
Ở Bến Tre, nhắc đến bánh dừa thì tôi dám chắc không đứa trẻ nào không biết. Có lẽ đây là một trong những chiếc bánh gần gũi và xuất hiện lâu đời nhất ở xứ dừa. Xưa kia, nó theo từng bước chân hành quân của bộ đội, theo người nông dân ra đồng, đi cùng học sinh đến trường, và nay bánh dừa còn giúp nhiều gia đình thoát nghèo, thậm chí là dư giả…
Chiếc bánh dừa mộc mạc từ kiểu dáng cho đến hương vị. Ngay cả cái tên cũng rất bình dị – được người xưa lấy tên của loại lá gói đặt cho. Đó là đọt lá dừa non hoặc dừa nước (người quê hay gọi là cà bắp) quấn quanh bên ngoài bánh. Nguyên liệu chính để gói chỉ có nếp, chuối hoặc đậu xanh, đậu đen, cơm dừa nạo, muối và đường. Người thưởng thức bánh sẽ cảm nhận đầy đủ vị mằn mặn của muối, vị béo nhẹ nhàng của dừa, vị dẻo mềm của nếp, bùi bùi của đậu cùng hương lá dừa hoặc cà bắp đặc trưng. Tất cả hòa quyện vào nhau làm nên sự mộc mạc nhưng đậm đà và tao nhã.
Tuy nhiên, cách làm thì khá kỳ công và mất thời gian. Một chiếc bánh tuyệt ngon phải do người dày kinh nghiệm mới làm được.
Đầu tiên, nguyên liệu phải được chuẩn bị đầy đủ từ hôm trước. Nếp chọn loại thật dẻo thơm rồi ngâm qua đêm. Sáng hôm sau mang xả nước nhiều lần cho sạch, để ráo. Dừa khô mang nạo lấy cơm. Khi làm sẽ cho tí nước vào vắt lấy nước cốt rồi trộn đều cùng nếp. Sau đó bắc lên chảo xào sơ qua cho nếp chín một phần, nước cốt thấm vào để tăng thêm vị béo. Để có vị bùi, người ta còn có thể cho đậu đen vô nếp, cho thêm tí đường, tí muối xáo trộn cho đều rồi nhắc khỏi bếp để nguội.
Chuyển qua khâu gói, người làm bánh sẽ dùng tay cuộn lá dừa non hoặc lá dừa nước non (lá dừa được chuẩn bị từ trước với lưu ý sau khi chặt từ cây mang vào sẽ được cắt bỏ hai đầu nhọn rồi mang phơi nắng cho lá mềm, lúc gói vừa dễ vừa không bị bể) lại thành hình trụ ống, cho nếp vào rồi bóp, dùng dây lạt hoặc dây lát chẻ khô cột lại. Khâu cột này rất quan trọng. Nếu gói quá chặt tay, bánh sẽ chín không đều, thậm chí lúc đun lửa nấu hạt nếp nở có thể làm bể bánh. Còn nếu gói lỏng tay, bánh bị nong nước, nhão mềm không ngon.
Cuối cùng là khâu nấu bánh cũng phải có kinh nghiệm bánh mới ngon như ý. Người nấu dùng một lớp lá dừa lót thành lớp mỏng dưới đáy nồi để tránh bánh bị cháy khét. Sau đó xếp bánh vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh, phủ thêm một lớp lá dừa trên bề mặt rồi nậy kín. Đun lửa đến khi thử bánh thấy từng hạt nếp chín dính quyện vào nhau. Muốn bánh lâu bị hư, lúc vớt ra cần rửa bánh qua nước lạnh cho hết nhựa, để ráo và treo lên.
Còn nhớ, hồi xưa nhà ngoại tôi có hẳn một chiếc bếp dùng nấu bánh dừa hàng tuần. Nhà ngoại rất nhiều ruộng, mỗi sáng các dì, cậu đều phải ra đồng nên ngoại hay nấu bánh để dì, cậu ăn lót dạ lúc đói. Lâu lâu, ngoại lại kể chuyện với giọng điệu rất tự hào về chiếc bánh dừa trong thời kháng chiến đã giúp chiến sĩ ta lót dạ, thêm sức lực trong các chuyến hành quân xa…
Sau này chị em tôi đi học, thỉnh thoảng mẹ cũng nấu bánh bỏ vào cặp mang theo để dành ăn trong giờ ra chơi. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình hàng xóm cũng chuẩn bị quà bánh cho con bằng cách này. Riêng bọn con trai không thích bỏ vô cặp gọn gàng như con gái mà hay xách hoặc cột vô lưng quần tòn ten. Đôi lúc, gặp đứa ngịch ngợm giật đứt, vậy là la hét dí nhau chạy rần trời…
Du khách đến Bến Tre cũng không quên mua loại bánh này làm quà từ xứ dừa. Việt Kiều hằng năm cũng đặt bánh với số lượng lớn mang ra nước ngoài vừa để dành ăn, vừa làm quà cho bạn bè… Nên các chủ lò bánh dừa ngày càng ăn nên làm ra. Không ít người thổ lộ rằng bánh dừa vốn chân quê mộc mạc nên không bạc đãi ai bao giờ. Nếu ai hết lòng làm nên chiếc bánh thật ngon thì chắc chắc sống được với nghề. Hàng ra lò bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Có những chủ lò không ngần ngại làm những chiếc bánh dừa khổng lồ để đãi khách tham quan trong các lễ hội với ánh mắt đầy tự hào…
Leave a Reply