Hấp dẫn với món chay xứ Huế thơ mộng
Và đến với Huế, nếu không thưởng thức những món bánh thì có lẽ đó là điều luyến tiếc nhất, với các món quen thuộc như bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ít…được làm từ nhân chay sẽ làm cho chuyến hành trình khám phá vùng đất Cố Đô này thêm phần thú vị.
Huế – vùng đất Cố Đô mang nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc. Đây cũng là nơi hội tụ những nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Huế nổi tiếng với ẩm thực cung đình cầu kỳ trong cách chế biến và trình bày, ẩm thực chay nơi đây cũng được xem là tiêu biểu với những món ăn phong phú, hấp dẫn và cực kỳ tốt cho sức khỏe.
Đến với Huế, những món ăn chay luôn được chú trọng và đề cao, được nâng tầm lên một giá trị nghệ thuật. Mỗi món ăn là một màu sắc, hương vị khiến cho chúng ta phải “huy động” mọi giác quan của mình để thưởng thức. Người Huế, từ bình dân đến quý tộc, đều có truyền thống ăn chay, cốt để cho tâm hồn thanh tịnh.
Cỗ chay trong dịp lễ, tết hay đãi khách
Vào những ngày rằm, mồng một, những mâm cổ chay luôn được chú trọng và bày biện một cách khéo léo dưới đôi bàn tay của các chị, các mẹ. Và sẽ là thiếu sót khi bỏ qua cơm hấp lá sen chay của người Huế, một món ăn gần gũi và quen thuộc.
Nhìn vào món cơm hấp lá sen, bạn có thể tưởng tượng như đang được thưởng thức một “bông hoa” ẩm thực. Món ăn này có “nhụy” rất thơm ngon với hỗn hợp cơm, hạt sen, cà rốt, tai nấm đông cô, củ cải, cà rốt, đậu phụ…Món cơm hấp lá sen còn được điểm tô bởi những bông sen hồng diệu khá bắt mắt và sự lưu giữ hương vị tuyệt vời của món ăn bằng cách ấp ủ tất cả những hương vị trong những lá sen xanh.
Các món bún ở Huế cũng vô cùng đa dạng với nhiều biến tấu như bún bò, bún mắm nêm, bún thịt nướng, bún nghệ,… và thật thiếu sót nếu không nhắc đến bún chay, món ăn thân thuộc và bình dị của người Huế. Đây cũng là một cách để người Huế thay đổi khẩu vị và làm cho tâm hồn mình được tĩnh tại, thư thái. Tuy là bún chay nhưng nó vẫn có vị ngọt đặc biệt, vị ngọt đó là sự tổng hòa của những nguyên liệu từ rau củ quả như bí đỏ, thơm, củ cải, bắp su, cà rốt…
Nấu bún chay là cả một nghệ thuật, đòi hỏi tài khéo léo của những người phụ nữ đảm đang. Đặc biệt là trong lựa chọn rau, củ, quả cần phải tươi ngon, nước dùng phải trong, có vị thanh đạm mới đạt chất lượng. Bún chay thường được ăn kèm với rau sống bên cạnh chén xì dầu và chao.
Độc đáo cũng không kém đó chính là món chay chả lụa.
Được làm từ quả chuối mật nấu chín, bóc vỏ, giã nhỏ với gia vị, bột thính, xong trộn đều với bí đao thái hột lựu, gói lá chuối đem hấp, một món ăn hấp dẫn và quen thuộc đối với người dân xứ Huế
Món nem công, chả phụng chay Huế được bày biện bắt mắt
Các gia đình Phật tử ở Huế thường mời bạn bè ăn một bữa cơm chay để thể hiện lòng quý mến và trân trọng. Có thể nói để làm nên một món ăn chay rất khó, để làm nên một món ăn hấp dẫn cần phải nhờ đến đôi bàn tay khéo léo và óc sáng tạo. Cái tài tình của các o, các mệ ở đây là chỉ bằng thảo mộc của thiên nhiên, như phù chúc, đậu phụ, đậu xanh, bánh tráng, nấm… mà vẫn làm nên “giò lụa”, “chả quế”, “thịt gà”, “nem”… Nếu ai không sành, mới chỉ nhìn qua dễ nhầm tưởng là một bữa tiệc mặn có đầy đủ các món ăn ngon của Huế.
Mâm cỗ chay Huế
Bình dị hơn với những món chay thường ngày
Và đến với Huế, nếu không thưởng thức những món bánh thì có lẽ đó là điều luyến tiếc nhất, với các món quen thuộc như bánh bèo, bánh bột lọc, bánh ít…được làm từ nhân chay sẽ làm cho chuyến hành trình khám phá vùng đất Cố Đô này thêm phần thú vị.
Bánh bột lọc chay ở Huế
Bánh nậm chay huế
Mỗi món chay đều thể hiện được sự tài tài tình và khéo léo đến lạ kỳ của người dân nơi đây. Sự thanh tao, tinh tế của người Huế hình như thể hiện rất rõ trong văn hóa ẩm thực trong đó có ẩm thực chay. Chính vì vậy, du khách thưởng thức các món chay của Huế cũng chính là đã tìm về với bản ngã của tâm hồn, có được sự thanh thản của thể xác và bắt gặp được điểm cao của sự thanh tịnh trong ẩm thực.
Leave a Reply