Nhộng sâu muồng: Đặc sản từ Tây Nguyên “lạc trôi” đến mọi miền Tố quốc
Món ăn này cũng chỉ xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 5 là hết mùa. Bởi đến mùa hè, những ấu trùng sâu muồng đều biến thành bướm bay đi, phải chờ đến mùa sinh sản năm sau mới xuất hiện trở lại.
Những loài côn trùng như dế, cào cào, bọ cạp trở thành món ngon trên bàn nhậu là điều không mấy xa lạ. Mặc dù đây là các loại côn trùng nhưng được yêu thích vì sau khi chế biến đều trở thành những món ăn ngon, lạ miệng.
Thời gian gần đây, trên thực đơn món ăn côn trùng cho những ai gan dạ, sành ăn đã xuất hiện thêm món nhộng sâu muồng – một thức quà đặc trưng, tự nhiên của người dân Tây Nguyên. Món ăn côn trùng tưởng chừng khiến nhiều chị em kinh sợ, tránh xa này lại đặc biệt được yêu thích vì vừa béo, vừa bùi lại rất ngọt nước khi luộc chín, là món ngon “vạn người mê” trong bữa cơm gia đình.
Trước đây, nhộng sâu muồng chỉ là món ăn đặc sản của người dân vùng Tây Nguyên. Khoảng 1 năm trở lại đây, nhộng muồng được nhiều thực khách ở các tỉnh thành khác biết đến.
Món ăn này cũng chỉ xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 5 là hết mùa. Bởi đến mùa hè, những ấu trùng sâu muồng đều biến thành bướm bay đi, phải chờ đến mùa sinh sản năm sau mới xuất hiện trở lại.
Chị Huyên – sinh sống tại Cư M’Gar, Đắk Lắk cho biết: “Tháng 3 bắt đầu có mưa xuống thì cây muồng cũng bắt đầu đâm chồi. Loài bướm muồng đẻ trứng trên lá cây muồng rồi nở thành sâu muồng, một thời gian sau đóng kén lại thành nhộng muồng nằm dưới các tán lá xanh.
Lúc này thì chúng tôi bắt đầu đi nhặt nhộng muồng về chế biến. Chỉ cần vạch 1 chiếc lá lên cũng sẽ thấy khoảng 5 – 8 nhộng muồng bám vào. Cây muồng được trồng để cây tiêu bám vào, mà loại sâu này chỉ ăn lá muồng thôi nên chúng tôi cũng không phun thuốc để trừ đi, chờ chúng đóng kén thì có thể sử dụng như một món ăn ngon hàng ngày”.
Trước đây, người dân chủ yếu thu nhặt nhộng muồng về nấu, nhưng nhiều người còn bắt cả sâu muồng chưa đóng kén về để chiên giòn, ăn cũng rất lạ miệng.
“Đi thu nhộng muồng thì chỉ cần 1 chiếc rổ là được, cứ nhẹ nhàng gỡ nó xuống là xong. Nếu chúng bám nhiều trên cây cao thì có thể rung lắc, gõ cành cho nhộng rớt xuống rồi nhặt. Còn nếu đi bắt sâu muồng thì phải có hũ, có hộp để nhốt chúng vào, không là sâu bò lổm ngổm ra ngoài hết. Sâu muồng không có lông ngứa nên bắt thoải mái, khi bắt nên nhẹ tay một chút vì thân sâu mềm lắm” – chị Huyên chia sẻ.
Món sâu muồng có thể chiên giòn ăn cùng cơm, còn nhộng muồng thì có thể luộc, xào, thậm chí tẩm bột chiên cũng có thể thành món ăn vặt ngon miệng. Được biết, mỗi ngày chị Huyên có thể đi nhặt được 5 – 10kg nhộng muồng khi vào mùa. Số nhộng này ăn không hết sẽ được dùng để bỏ mối cho các tiểu thương đến thu gom, bán lại cho nhà hàng, quán nhậu ở thành phố.
“Nhiều người đến hỏi mua nhộng muồng để mang đi đến những tỉnh khác bán lắm. Giá nhộng muồng lên xuống theo mùa. Đầu mùa, nếu nhộng muồng được nhặt nhiều thì giá bán khá rẻ, khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng nếu đến cuối mùa, số lượng nhộng ít hơn thì giá thu mua có thể lên đến 50.000 đồng/kg. Mỗi ngày nếu chăm chỉ thì tôi có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng” – chị Huyên cho biết.
Thương lái thường chỉ mua nhộng và rất ít khi mua sâu muồng. Vì nhộng muồng đã đóng kén có thể vận chuyển xa mà không lo nhộng chết làm ảnh hưởng đến chất lượng, còn sâu muồng vì là thân mềm nên rất khó để bảo quản trong thùng kín.
Được biết, tại Hà Nội, giá bán nhộng muồng khi đến tay người tiêu dùng rơi vào khoảng 150.000 – 200.000 đồng/kg. Không chỉ được săn đón ở các quán nhậu, mà ngay cả các bà nội trợ cũng tìm mua món này về chế biến cho gia đình mình thưởng thức.
Chị Hồng Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhờ người đặt mua giúp 1kg nhộng muồng từ quán nhậu trên đường Nguyễn Văn Huyên về để nấu ăn thử. Mục đích ban đầu chỉ là chế biến để chồng tiếp khách nhắm rượu, nhưng ăn thử thấy ngon, vị bùi béo không khác gì nhộng tằm, lại còn thơm hơn nên chị Hồng Anh nghiện món này từ khi nào không rõ.
“Mình vốn là người yếu tim, không thích ăn mấy món như cào cào, giun dế gì đâu. Nhưng thấy con nhộng muồng này đóng kén cũng không khác gì nhộng tằm, mình cứ cho vào chảo xào thơm lên rồi ăn thử, thấy ngon không tưởng. Con mình chỉ cần 1 đĩa nhộng muồng xào rau muống cũng ăn hết được 3 bát cơm, chồng mình thì lai rai món nhộng muồng đến tít cả mắt, bảo chả cần ra ngoài uống rượu nữa, có món nhộng muồng vợ nấu là hết xảy” – chị Hồng Anh chia sẻ vui.
Chị mua 1kg nhộng muồng với giá 180.000 đồng, chị cho hay, ở các quán nhậu bán 1 đĩa nhộng muồng chừng 2 – 3 lạng đã có giá 70.000 – 100.000 đồng/đĩa, vì đây được xem là đặc sản Tây Nguyên, không phải mùa nào cũng có.
Chị Dung Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) nhập nhộng muồng từ Đăk Lắk ra Hà Nội bán cho khách chia sẻ, từ tháng 3 đến tháng 5 nhộng muồng được nhập về theo đầu tạ, nhập về bao nhiêu thì hết bấy nhiêu. Khách quen từ các năm trước thường lấy 2 – 3kg về ăn dần, còn khách mới thì lấy 1 -2kg về ăn thử, nhưng hầu như đều quay lại mua thêm để thưởng thức.
Chị Phương chia sẻ, bản thân chị cũng thường ăn nhộng muồng, nhưng chỉ ăn khoảng 2 – 3 bữa/tuần. Lý do là bởi nhộng muồng chứa rất nhiều dinh dưỡng, nếu ăn quá nhiều trong 1 tuần sẽ dễ khiến bị ngán ngấy, thừa chất. Ngoài ra, nhộng muồng khi mang về nhà cần được bảo quản kỹ lưỡng, có thể để ngăn đá tủ lạnh và rã đông khi ăn.
Leave a Reply