Có phải chỉ ở miền Trung mới được thưởng thức món ăn từ chạc môn?

Cái giống môn sen này không chỉ nấu canh mà còn muối thành chột môn nấu canh chua rồi chẻ thân cây ra vắt thành món dưa môn chấm nước mắm gừng và có khi còn phơi khô để dành đến mùa Đông kho với mỡ.

Đó là món thân môn non nấu với tôm sông hoặc tôm đồng và lá lốt. Mà riêng về thân môn non cũng có nhiều tên gọi: chạc môn, dải môn, môn dảy… Chạc môn nghĩa là dây môn, dải cũng là dây môn. Nhưng môn dảy (nhảy) thì nghe lạ mà lại đúng hơn bởi vì những thân môn non này là những cây môn con nhảy ra từ những bụi môn ngọt, môn vôi. Người ta hái những cây môn non này để chế biến ra món này.

Ra giêng lôn (trồng) môn sen. Môn sen trồng thành từng vồn cao giữa đồng và phải tưới nước hàng ngày để cho cây môn khỏi cái vị ngứa. Đến Hè là thu hoạch cây môn. Làng tôi trồng khá nhiều môn sen, nên đến mùa nhà nhà gánh môn theo đò, theo xe ra bán chợ Mỹ Chánh, chợ Đông Hà – Quảng Trị rồi vô bán chợ Đông Ba- Huế. Hồi trước, môn được bẻ gấp khúc lại, dùng lạt tre bó thành từng bó một như quyển vở để xếp lên gióng gánh đi cho gọn. Chừ phương tiện vận chuyển nhiều hơn nên chỉ cần xếp lại khoảng chục cây môn bó tròn lại và chất lên xe đậu ngay chân ruộng mang đi bán…

Môn sen là giống môn có màu tím, không gây ngứa khi ăn nếu được tưới nước đều đặn hàng ngày. Nhổ vài bụi môn, trẩy hết lá rồi dùng dao lột lớp vỏ ngoài, gọt củ và cắt nhỏ thân cây, rửa sạch nấu canh. Canh môn nấu với tôm sông đập giập, canh môn nấu với hến, với cá lóc, cá nục, cá trích ráy thịt đều được cả. Có khi canh môn chỉ nấu với mấy miếng tóp mỡ khô mà cũng ngon. Nhưng dù nấu với chi thì góp mặt trong xoong canh môn phải có ruốc, nước mắm và rau ngổ. Nếu thiếu một trong ba gia vị ni thì xoong canh chưa được gọi là ngon, là thấm tháp.

Sau này, rau ngổ là loài rau không thể thiếu trong món lẩu cá lóc, nhưng trước đó rau ngổ đã có trong tô canh môn. Nghe một anh bạn sành ăn nói rau ngổ phải hái vào sáng sớm, khi mặt trời mới hé, sương còn đọng trên ngọn, vị mới ngọt; chứ hái chiều hôm trước thì rau chát, hái buổi trưa thì rau đắng. Ừ mà hồi nhỏ do không để ý, chứ bất cứ loài rau nào để nấu ăn trong ngày mạ tôi đều ra vườn hoặc ra đồng hái vào buổi sớm cả. Canh môn có màu nâu tím sóng sánh váng mỡ, có hương thơm dìu dịu của rau ngổ, có vị ngọt mát lành tan ra nơi đầu lưỡi. Buổi trưa Hè, thấy mạ nấu canh môn là mấy anh em đều vui vì được ăn canh sụp soạt thay cả cơm, thỉnh thoảng vớt được một củ môn nằm sâu dưới tô canh ăn bùi bùi, béo béo ngon chi lạ…

Mà cái giống môn sen này không chỉ nấu canh mà còn muối thành chột môn nấu canh chua rồi chẻ thân cây ra vắt thành món dưa môn chấm nước mắm gừng và có khi còn phơi khô để dành đến mùa Đông kho với mỡ…Mà món mô từ môn sen cũng “ trứ danh” cả…

Trở lại với tô cánh chạc môn, đây là món dành cho những người xa quê ăn vô để chống bẻ nước. Nghĩa là ai xa quê lâu ngày trở về, trước khi tắm phải ăn một tô canh chạc môn này để chống trái gió trở trời mà cảm sốt.

Cùng Danh Mục:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *