Đến xứ Lạng thưởng thức vịt quay ngon nổi tiếng
Nếu như ở Hà Nội có đặc sản vịt cỏ Vân Đình dường như đã trở thành một thương hiệu lớn, thì Lạng Sơn có đặc sản vịt Thất Khê, thịt dày mềm, xương nhỏ. Vịt được chọn để quay vừa lớn tới, không già quá mà cũng không quá non.
Đến với xứ Lạng, chẳng mấy ai bỏ qua được món vịt quay nổi tiếng với vị thơm ngon riêng biệt khó có thể thưởng thức được ở nơi khác.
Lạng Sơn được nhiều du khách biết đến với những địa danh nổi tiếng như: chùa Tam Thanh, Nhị Thanh, hòn Vọng Phu, phố Kỳ Lừa… Không những thế, Lạng sơn còn là địa điểm hấp dẫn bằng các món ẩm thực rất nổi tiếng như lợn quay, măng ớt, bánh ngải… và đặc biệt nhất là món đặc sản vịt quay Lạng Sơn.
Nếu như ở Hà Nội có đặc sản vịt cỏ Vân Đình dường như đã trở thành một thương hiệu lớn, thì Lạng Sơn có đặc sản vịt Thất Khê, thịt dày mềm, xương nhỏ. Vịt được chọn để quay vừa lớn tới, không già quá mà cũng không quá non.
Người dân nơi đây có những bí quyết đặc trưng và truyền thống mà không phải món vịt quay ở nơi nào cũng có được.
Nhưng chọn vịt chỉ mới là khâu đầu. Còn để thịt quay ngon, nằm ở khâu tẩm ướp. Người dân địa phương dùng nhiều loại lá rừng có vị thơm, trong đó không thể thiếu lá mắc mật, quả mắc mật, mật ong, hắc xì dầu, sả, ớt, tiêu đen, dầu đậu nành, gừng, hạt nêm, chanh hoặc giấm, tỏi, mạch nha. Nghe thì có vẻ rất đơn giản, nhưng người dân nơi đây có những bí quyết đặc trưng và truyền thống mà không phải món vịt quay ở nơi nào cũng có được.
Ngay từ khi lựa chọn, vịt phải đúng tầm và ưng ý, người ta vặt lông vịt một cách chớp nhoáng tránh ngâm lâu trong nước sẽ bị nhạt thịt và bị tanh. Họ lấy hết ruột gan vịt rồi thổi cho da dẻ con vịt căng phồng lên bằng cách lấy ống của lá đu đủ thổi rửa qua rượu tránh vịt có mùi tanh. Vịt được để ráo nước rồi nhúng nhanh vào nồi nước sôi sùng sục cho thịt se lại. Sau đó phết ra ngoài và cả trong bụng vịt một loại nước sền sệt, trong đó bao gồm mật ong, ít xì dầu, đường mạch nha… tạo nên một màu nước quánh, nâu vàng.
Bụng vịt được nhồi nhiều thứ gia vị hái được trong rừng, trong đó đặc sắc nhất là lá mắc mật rồi khâu lại, để khoảng 2 đến 3 tiếng để thịt vịt ngấm gia vị rồi mang nướng nhẹ trên lò than hồng cho đến khi màu da vịt chuyển từ vàng sang nâu sẫm mới cho vào chảo mỡ đã phi xả, ớt, gừng… hay dầu lạc nóng già đều tay lật con vịt qua lại.
Khi ăn vịt quay, dân địa phương không bao giờ dùng nước mắm hay xì dầu. Họ có một loại nước chấm tự mình pha chế. Đó là thứ nước sóng sánh lấy từ bụng con vịt đã được quay chín cùng với một vài vị độc chiêu “bí truyền”. Vịt được chặt ra từng miếng, hoặc dùng tay mà xé, béo mà không ngấy, ngọt mặn và có chút gì như nhân nhẩn chát, đắng của lá rừng.
Đến với Lạng Sơn, nhâm nhi miếng vịt quay bên bình rượu Bảo Sơn – cũng là một đặc sản không thể bỏ qua của mảnh đất xứ Lạng, bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn hương vị thơm ngon đậm đà có một không hai của món đặc sản này. Đơn giản, dân dã, bình dị mà vương vấn mãi trong lòng thực khách.
Theo Viettravel
Leave a Reply