Món đặc sản rùa rang muối bổ dưỡng của Cà Mau

Đổ muối hột vào nồi, để nguyên con rùa đã làm sạch và ráo nước vào nồi (không cần mổ bụng hay tách mai). Đậy nắp nồi lại càng kín càng tốt vì càng kín thì rùa càng mau chín
Đặc sản ngon nhất Cà Mau có lẽ là , Rùa là một loại động vật hoang dã có rất nhiều ở vùng rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Có nhiều loại rùa, nào là rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém…, nhưng ngon nhất là rùa vàng, kế đến là rùa nắp, không có thì “xài đỡ” rùa quạ, chớ rùa hôi hay rùa dém thì đúng như cái tên của nó, nghe mùi là thấy không ngon rồi.

Trước đây rùa sống trong tự nhiên rất nhiều, người dân Cà Mau tha hồ săn bắt đem ra chợ bán. Thời gian gần đây, để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng nên chính quyền tỉnh Cà Mau đã cấm săn bắt, buôn bán rùa tự nhiên mà chỉ cho phép buôn bán rùa nuôi (giống như người ta nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu vậy).

Rùa có thể làm được rất nhiều món ăn ngon và bổ, nhưng ngon nhất vẫn là , vừa dễ làm, dễ tìm gia vị, vừa được thưởng thức cách ăn dân dã đặc biệt của người xứ Cà Mau.

Cắt cổ rùa lấy huyết, hứng huyết rùa vào chén. Rượu đế trong như mắt mèo hay rượu nếp trắng pha huyết rùa người sành ăn không bao giờ bỏ qua. Nghe nói rượu pha huyết rùa tác dụng không kém rượu pha huyết rắn hổ hay rượu ngâm ngọc dương.

Đem rùa đã cắt cổ trụng nguyên con vào nước sôi chừng vài phút, vớt ra cạo rửa rùa cho sạch nhớt. Cắt cổ rùa hơi khó, không có kinh nghiệm sẽ rất khó cắt thành công, vì vậy không cắt cổ cũng không sao. Nếu bạn cắt cổ rùa cho chảy hết máu ra thì rang muối xong sẽ trắng như thịt gà, nhìn rất đẹp. Còn để nguyên con rùa còn sống trụng nước sôi, cạo rửa rồi bỏ vô nồi muối thì khi chín sẽ có màu đỏ bầm, nhìn không đẹp nhưng ăn thịt bổ hơn. Nếu bạn để rùa sống bỏ vô nồi nước sôi trụng thì phải nấu nước sôi bằng cái nồi hơi lớn hơn con rùa một chút, có nắp đậy kín, nước sôi hé nắp ra bỏ rùa vô rồi đậy lại liền, giằng kín (không thôi rùa giẫy văng nước tùm lum), chừng chút xíu thì rùa chết mới vớt ra cạo rửa.

Chuẩn bị một cái nồi đất to, có nồi đất là tốt nhất, không có nồi đất thì dùng đỡ nồi kim loại đáy dầy. Dùng nồi đất thì tiếng muối nổ đỡ đinh tai nhức óc và không hư nồi, có thể dùng lại nồi nhiều lần. Còn bạn dùng nồi kim loại đốt khô với nhiệt độ cao và lâu như vậy đáy nồi sẽ bị cháy nên không thể dùng nồi đáy mỏng mà phải dùng nồi loại đáy dày, rang muối xong 1 con rùa thì bạn có hy vọng… bị hư thêm một cái nồi thì rất tốn kém. Muối hột phải chọn loại hột thật lớn, càng lớn càng tốt, cứ 1 ký rùa thì 1 ký muối.

Đổ muối hột vào nồi, để nguyên con rùa đã làm sạch và ráo nước vào nồi (không cần mổ bụng hay tách mai). Đậy nắp nồi lại càng kín càng tốt vì càng kín thì rùa càng mau chín. Bắc nồi lên bếp, vặn to lửa cho muối nổ đến khi nào không còn nghe tiếng muối nổ nữa thì nhắc nồi xuống, lấy rùa ra, dùng dao chẻ vỏ, móc bỏ bộ lòng. Rùa thường ăn các loại nấm, kể cả nấm độc nên không được ăn bộ lòng rùa, dễ bị trúng độc.

Xé thịt rùa ra cho vào dĩa. Vậy là bạn có thể thưởng thức món rùa rang muối chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt kèm với rau răm. Đưa cay bằng một vài ly rượu nếp trắng mới cảm nhận hết cái hương vị thơm giòn, ngon ngọt, béo ngậy của thịt rùa, vị cay cay của rau răm, rau húng, vị cay nồng, ngòn ngọt của rượu nếp…, mà thầm khâm phục người Cà Mau thời khai hoang lập ấp đã sáng tạo ra cách tận hưởng sản vật trời cho có một không ai ở vùng đất tận cùng Tổ quốc này.

Cùng Danh Mục:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *