Về Bình Thuận để thưởng thức đặc sản dông nướng
Được làm từ chính những nguyên liệu sẵn có của miền cát biển, món dông nướng dân dã nhưng thơm ngon tròn vị đã góp phần làm nên tên tuổi cho miền đất Bình Thuận nhiều nắng, gió.
Dông nướng là món ăn đặc sản của vùng đất Bình Thuận. Du khách có dịp đến với vùng đất của những đồi cát trắng mênh mông này mà chưa thưởng thức dông nướng thì chắc chắn sẽ vô cùng nuối tiếc.
Dông thuộc loài bò sát, nhìn giống thằn lằn nhưng to và dài mình hơn. Thực chất là con kỳ nhông nhưng người dân vẫn gọi bằng cái tên thú vị – con dông – vì khi gặp nguy, nó chạy rất nhanh. Loài động vật này thường sống ở các sa mạc nắng nóng, đất cát ven biển và được coi như là “vua của sa mạc” bởi có thể chịu khát giỏi, sinh trưởng mạnh trong môi trường khô nóng.
Dông có quanh năm, nhưng nhiều nhất vào mùa mưa (từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch). Một con dông trưởng thành có thể dài 20-30 cm và nặng 4-5 kg. Người ta có thể khai thác dông từ tự nhiên bằng nhiều cách như giăng lưới, dò, thổi, đào, bẫy, chặn ngách… hoặc từ trang trại nuôi nhân tạo.
Thị dông không chỉ hấp dẫn thực khách vì có hương vị thơm ngon, thớ thịt săn ngọt, xương mềm như sụn, nhai sần sật mà còn là vì tác dụng của nó đối với sức khỏe. Trong Đông y, thịt dông cát được dùng để giảm đau, kích thích tiêu hóa, tiêu độc, làm khô vết thương, chữa thấp khớp, hen suyễn, ghẻ lở, suy dinh dưỡng, kém ăn ở trẻ.
Từ dông cát có thể làm thành nhiều món ngon như dông nướng, dông xào sả ớt, gỏi dông, dông nấu dưa hồng, cháo dông, chả dông, trứng dông chiên bơ, cà tím cuốn dông, dông hấp… Mỗi món đều có hương vị đặc trưng, sự hấp dẫn riêng nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là món dông nướng.
Để chế biến món dông nướng, đầu tiên người ta phải lựa chọn những con mập, có kích thước của dông trưởng thành, bởi nếu lựa những con nhỏ quá thì thịt dông sẽ rất bở, ăn không ngon. Sau khi lột da dông, được vệ sinh sạch sẽ rồi thì mới tiến hành tẩm ướp gia vị.
Thịt dông được ướp với hành băm nhuyễn, thêm hạt nêm, tiêu và nước nắm. Chờ ướp trong khoảng 30 phút cho thịt thấm gia vị. Sau khi nhóm bếp, cho dông lên vỉ nướng. Theo kinh nghiệm của nhiều đầu bếp thì nên nướng dông bằng bếp than vì như thế mới toát lên hết hương vị của món ăn
Trong giai đoạn nướng chúng ta chú ý phải trở đều, không để cho thịt dông bị cháy khét. Sau khi dông chín vàng hai mặt, dông sẽ được bày ra đĩa, trang trí cho đẹp mắt. Dông nướng có thể ăn với bánh tráng nướng hoặc ăn cùng với rau sống, bún và bánh tráng cuốn thì hương vị sẽ rất tuyện. Cho dông vào bánh tráng, cho thêm tí bún, rau sống cuốn lại rồi chấm nước mắm me thì không gì bằng.
Được làm từ chính những nguyên liệu sẵn có của miền cát biển, món dông nướng dân dã nhưng thơm ngon tròn vị đã góp phần làm nên tên tuổi cho miền đất Bình Thuận nhiều nắng, gió.
Leave a Reply