Chiều thu Hà Nội, ăn gì cho ấm bụng?
Mỗi lần ăn một miếng sứa, thực khách phải dùng đủ các thực phẩm đi kèm thì món ăn mới toát hết lên mùi vị của nó. Miếng sứa mát như thạch, giòn giòn, có vị hơi chát của lá lăng, lá ổi.
Quán nộm sứa thâm niên 70 năm
Hàng gỏi sứa ở Hà Nội không thiếu nhưng muốn được ăn một miếng ngon, nhiều người hay mách nhau đến ngõ 70, phố Hàng Chiếu để thưởng thức cái vị sứa độc đáo. Món ăn vặt lạ miệng này được lưu truyền hàng chục năm nay đã làm say lòng biết bao người.
Món nộm sứa đỏ nổi tiếng đất Hà thành.
Nộm sứa nhìn đơn giản nhưng thực chất được làm rất kỳ công. Sau khi mua sứa từ biển về, người ta bắt đầu làm sạch rồi ngâm chúng trong nước lá lăng, vỏ sú vẹt, củ nâu, nước lá ổi. Sứa sau khi ngâm có thể đem ra ăn ngay. Khi có khách gọi, người bán hàng dùng những thanh nứa sắc, cắt sứa thành từng miếng mỏng vừa ăn.
Mỗi lần ăn một miếng sứa, thực khách phải dùng đủ các thực phẩm đi kèm thì món ăn mới toát hết lên mùi vị của nó. Miếng sứa mát như thạch, giòn giòn, có vị hơi chát của lá lăng, lá ổi. Khi ăn kèm với đậu phụ, dừa lại có thêm vị bùi, béo ngậy và thơm. Thêm một chút rau xanh, món ăn sẽ trở nên thanh mát, không hề bị ngấy.
Theo đó, khách chỉ cần bỏ ra 35.000 đồng/người là có thể điềm nhiên thưởng thức đĩa nộm sứa bắt mắt, đậu phụ nướng vàng, dừa non thái miếng mỏng, gói kèm rau kinh giới, tía tô rồi chấm tí mắm tôm sủi bọt. Nhiều người mới đầu còn e dè, sau khi nếm thử đã “nghiện”, đến mùa sứa hàng năm lại tìm về quán như một thói quen.
Cháo trai Trần Xuân Soạn
Vốn là thức quà chiều quen thuộc, giá cháo trai ở Hà Nội thường chỉ dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/bát. Thế nhưng ở phố Trần Xuân Soạn, số tiền thực khách phải trả cho một bát cháo lại đắt gấp đôi. Ấy vậy mà quán vẫn không lúc nào ngớt khách, đặc biệt vào mùa đông hoặc giờ tan tầm.
Nếu đã ăn ở Trần Xuân Soạn một lần, chắc chắn thực khách sẽ nhớ mãi vị ngọt đậm đà của cháo, vị trai xào vừa miệng, từng cái quẩy cũng giòn ngon và thái độ phục vụ chuyên nghiệp của cả nhân viên lẫn chủ quán. Nhờ hàng loạt ưu điểm này mà suốt 30 năm nay, quán ăn đã trở thành điểm đến quen thuộc của những người “nghiện” cháo trai.
Các nguyên liệu ở đây đều được để riêng trong những “xô” lớn, bao gồm cháo, quẩy đã cắt nhỏ, hành, rau răm, hành khô phi thơm và thịt trai xào. Khách muốn ăn thế nào chủ quán đều có thể chiều theo ý. Một bát cháo thông thường có giá 25.000 đồng. Càng cho thêm nhiều trai giá càng cao, có thể lên mức 30.000 – 35.000 đồng.
Chia sẻ về bí quyết nấu cháo, chủ quán tiết lộ, tất cả trai đều được chị mang từ quê lên, do chính gia đình tự tay nuôi nên đảm bảo độ sạch sẽ, thơm ngon. Cháo nấu đúng theo kiểu truyền thống lại được bán giữa con phố đông đúc nhất Hà Nội, có lẽ vì vậy mà mức giá này cũng được nhiều người chấp thuận.
Bánh đúc phố Lê Ngọc Hân
Bánh đúc vốn là một món ăn dân dã của người Việt. Món ăn này có hai dạng là ăn nguội hoặc nóng và mỗi cách ăn sẽ đem đến một khẩu vị hoàn toàn khác lạ. Nếu bánh đúc nguội có vị dẻo thơm của bột, chút giòn, bùi của lạc và cái vị thanh mát, ngọt đậm khi chấm cùng nước tương bần thì bánh đúc nóng lại là một khuôn hình mà ở đó, từ màu sắc, thẩm mĩ cho đến mùi vị đều rất khác biệt.
Bánh đúc là món quà chiều thích hợp cho một buổi chiều đầu đông se lạnh.
Bánh đúc nóng ở Hà Nội lâu năm nhất phải kể đến một quán ăn mộc mạc nằm khuất trong con ngõ ở đầu phố Lê Ngọc Hân. Nhiều thực khách cho rằng, chính nhờ yếu tố “ngon – bổ – rẻ” mà quán bánh đúc đắt khách suốt 30 năm qua.
Bánh đúc ở đây chỉ 15.000 đồng/bát với đủ bánh, nước dùng, đậu phụ và nhân thịt xào mộc nhĩ, hành hoa. Nhiều người khen rằng đồ ăn ở đây rất ngon, gia giảm vừa miệng, miếng bánh đúc lúc nào cũng mềm, dai và dẻo quánh.
Leave a Reply