Điểm danh nhanh những món ăn có tên kỳ lạ gây nghiện thực khách tại Việt Nam
Bánh vạc còn có tên gọi khác là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo đã qua nhiều lần tinh lọc.
Thực khách khi thưởng thức một món ăn nào đó sẽ ấn tượng không chỉ bởi hương vị mà còn nhờ tên của món ăn đó. Việt Nam là nước có nền ẩm thực rất phong phú và đa dạng mang nét đặc trưng văn hóa. Hơn nữa ẩm thực Việt đang dần được nâng tầm, không chỉ thơm ngon mà nhiều món ăn Việt rất nổi tiếng và thu hút bởi mang cái tên độc đáo.
1. Bánh ít
Món bánh có tên khá ngộ nghĩnh không kém là bánh ít này lại là món ăn phổ biến ở cả ba miền trên đất nước ta. Mặc dù hình dáng và nhân có thay đổi chút ít ở mỗi vùng miền nhưng tựu chung là vỏ bánh được làm từ bột nếp và nhân từ đậu xanh. Bên trong lớp vỏ dẻo mịn ấy có thể là nhân ngọt với đậu xanh, dừa… hoặc đậm đà vị mặn của thịt, trứng, lạp xưởng…Bánh ít là món có thể ăn chơi nhưng vào những ngày giỗ chạp thì đây lại là món đồ cúng truyền thống trên mâm cỗ không thể thiếu ờ nhiều gia đình.
2. Sà bì chưởng
Du khách đến Sài Gòn nghe món ăn này thấy lạ tai, nhưng thực chất chỉ là cách nói khác để nhắc đến cơm tấm sườn bì chả – món ăn đặc trưng của người miền Nam. Một đĩa cơm tấm ngon phải khơi dậy được ở thực khách từ khứu giác đến vị giác. Sườn được ướp vừa đủ gia vị, nướng khéo để có màu vàng ánh, đậm đà, giòn bên ngoài nhưng mềm ngọt bên trong.
3. Bánh ngải
Bánh ngải có hình tròn và dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm. Nghe tên có vẻ “bùa ngải” như thế nhưng loại bánh này là một món ăn rất hấp dẫn và lạ miệng của dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn. Hương vị tạo nên điểm nhấn của bánh ngải chính là lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo. Đi cùng với lớp vỏ dẻo dai, thơm lừng là nhân vừng đen bùi ngọt khi kết hợp với đường phèn. Không chỉ đem lại hương vị thơm lừng, mát lành mà món bánh này còn có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ.
4. Sỏi mầm
Nếu chỉ nghe tên, chắc không ít người băn khoăn và liên tưởng ngay món “mầm đá” trong truyện Trạng Quỳnh hoặc nghĩ mình sắp được nếm một món ăn mang hình dáng giống… sỏi. Tuy nhiên tên gọi này thực chất xuất phát từ cách chế biến. Khi gọi sỏi mầm, thực khách sẽ được thưởng thức món thịt lợn rừng chế biến theo một cách đặc biệt. Mỗi suất ăn bao gồm 3-4 viên sỏi được nung thật nóng, dùng để nướng chín thịt heo rừng. Thịt nướng chín được cuốn trong rau xà lách cùng các lại rau thơm, chấm cùng nước mắm chua cay ngọt. Cắn một miếng thịt cuốn, thực khách sẽ cảm nhận được hương vị ngọt thơm đặc trưng của thịt lợn rừng quyện với hương thơm thanh mát, ngọt giòn, cay cay của rau thơm, xen lẫn với đó là vị chua dịu đượm đà của mắm ớt.
5. Pa Pỉnh Tộp
Là món ăn đặc sản của người Thái – vùng Tây Bắc. Để chế biến được món pa pỉnh tộp, người ta cần đến rất nhiều các loại gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng, đặc biệt là mắc khén – một loại gia vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Cá sau khi tẩm ướp các loại gia vị cho ngấm đều thì được gập đôi lại, cho vào một đoạn tre để kẹp chặt rồi nướng trên than củi đã hồng. Người nướng cá phải rất khéo léo để làm sao cho cá chín không bị ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên. Ăn pa pỉnh tộp đúng vị phải kèm chút xôi nếp chấm với chẩm chéo, thêm chút rượu ngô cay cay, tê tê.
6. Bánh gật gù
Bánh gật gù xuất xứ từ Quảng Ninh, bánh được làm từ bột gạo xứ Tiên Yên, tráng trên lớp lưới mỏng để hấp cách thuỷ và sau đó cuộn tròn lại. Miếng bánh dẻo quẹo, ăn ngon nhất khi còn nóng và chấm với nước mắm chưng cùng mỡ gà, hành phi, ớt tạo nên hương vị rất độc đáo. Xưa kia, người dân tương truyền rằng, thực khách khi thưởng thức món ăn này sẽ cảm nhận được vị thơm ngon, mềm mịn của chiếc bánh và liên tiếp gật gù khen ngon. Cái tên này từ đó mà ra đời.
7. Bánh vạc
Bánh vạc còn có tên gọi khác là White Rose (hoa hồng trắng). Đây là món ăn khá phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh vạc là tinh bột gạo đã qua nhiều lần tinh lọc. Nhân bánh được làm từ tôm tươi, thịt xay nhuyễn trộn với tiêu, hành, nấm mèo, muối, nước mắm… Đĩa bánh vạc khi dọn ra phục vụ thực khách sẽ được rắc thêm hành phi lên trên, chấm kèm nước mắm ớt được pha thật khéo, miếng bánh vạc ngon phải có vị ngọt của nhân thịt tôm, giai giòn của vỏ bánh, thơm của hành phi, cay cay, mặn mặn của ớt và nước mắm…
8. Khâu nhục – Lạng Sơn
Vào những dịp lễ tết, nhà mới, đám cưới… của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn không thể thiếu món khâu nhục cổ truyền. Món ăn được chế biến khá cầu kì từ thịt ba chỉ sau khi đã ướp kĩ các loại gia vị như húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, mật ong, rượu, dấm, xì dầu… và hấp cách thuỷ trong thời gian dài. Khâu nhục làm xong có màu vàng đều, hấp dẫn và mùi thơm đặc trưng không lẫn vào đâu. Thưởng thức khâu nhục cùng chén rượu cay sẽ làm bạn thấy ấm lòng hơn giữa núi rừng Tây Bắc.
Leave a Reply