Về Hưng Yên nếm thử rượu Lạc Đào đặc sản vùng miền
Thức uống phổ biến của nhiều nước, trong đó có Việt Nam chính là rượu. Khác với các nước phương Tây, rượu phổ biến được lên men từ trái cây với đặc sản là các loại rượu vang thì ở nước ta và những nước nông nghiệp truyền thống khác rượu lại được làm chủ yếu từ gạo. Nếu như Bến Tre có rượu Phú Lễ, Quảng Trị có Kim Long, Bình Định có Bàu Đá, Ninh Bình có Kim Sơn,… thì Hưng Yên có rượu Lạc Đạo.
Thực ra, việc nấu rượu không quá khó và nơi nào cũng nấu được, nhưng để có được rượu ngon, trở thành nổi tiếng thì chỉ một số địa phương làm được. Không ai biết nghề nấu rượu ở Lạc Đạo (Văn Lâm) có từ bao giờ. Chỉ biết đó là một nghề cha truyền con nối. Lớp lớp người Lạc Đạo sinh ra và lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ mình nấu rượu. Thời Pháp thuộc, nghề nấu rượu bị ngăn cấm, ai nấu rượu bị coi là phạm tội và bị tịch thu tài sản. Đó cũng là lúc khó khăn nhất của nghề nấu rượu Lạc Đạo. Theo những người cao tuổi ở Lạc Đạo kể lại, khi đó, trong xã chỉ còn lại rất ít người nấu rượu, và phải nấu vào ban đêm. Rượu được chôn giấu ở dưới chân cột nhà. Do vậy vẫn có những mẻ rượu thơm ngon, đặc sắc ra đời. Và nghề nấu rượu vẫn được kín đáo giữ gìn từ đời này sang đời khác. Lúc đầu người Lạc Đạo chỉ nấu rượu để phục vụ nhu cầu của chính gia đình mình, đặc biệt là vào các dịp lễ tết, hội hè. Người dân Lạc Đạo xưa nay vẫn chỉ sống bằng cây lúa. Và chính từ những cây lúa do mình gieo trồng ra, đôi tay khéo léo của người Lạc Đạo đã biến những giọt rượu trong vắt, thơm lừng và đặc sắc, ít nơi nào có được.
Gọi tên là rượu Lạc Đạo vì rượu được làm ở xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, một xã thuộc vùng đồng bằng sông có nghề nông phát triển trên mảnh đất phù sa màu mỡ. Rượu Lạc Đạo được làm bằng chính gạo nếp cái hoa vàng trồng tại địa phương – thứ gạo nếp hạt tròn, to mẩy, mười hạt đều nhau chằn chặn. Gạo nếp sau khi được chọn lựa sẽ mang đi ủ với men được làm từ các vị thuốc bắc gia truyền. Sau đó, rượu được chưng cất bằng nồi đất. Đây cũng chính là một trong những điểm đặc biệt khiến hương vị của rượu được giữ nguyên và an toàn cho người sử dụng (do không chứa các tạp chất từ các dụng cụ kim loại nhiễm vào).
Rượu Lạc Đạo có hương thơm nồng của lúa nếp, vị êm dịu xen chút cay nhẹ của 36 vị men thuốc bắc. Rượu thành phẩm là thứ nước trong veo, độ rượu cao – thường trên 50 độ. Tuy độ rượu cao nhưng uống không cay, không sốc mà hết sức êm say. Hơn nữa, rượu lại rất thơm, người uống rượu cũng không hề có cảm giác đau đầu sau khi uống. Về điểm này, ở miền Bắc chỉ có rượu Đình Bảng, Kim Sơn hay Mẫu Sơn mới so sánh được với loại rượu ngon này. Ngoài ra Lạc Đạo còn làm thêm loại rượu nếp cẩm, có màu nâu đỏ đặc trưng, độ rượu vào khoảng 25 độ nên dễ uống. Rượu nếp cẩm là sự kết hợp giữa gạo nếp cẩm với men thuốc bắc cùng nguồn nước tinh khiết tự nhiên trong vùng, và đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân nấu rượu nơi đây tạo nên hương vị rượu thơm ngon và hấp dẫn đầy mê hoặc. Trên mọi miền quê của đất nước Việt Nam có rất nhiều địa phương nấu rượu nếp cẩm. Nhưng giống với Nhãn Lồng chỉ bén duyên ở Hưng Yên, rượu nếp cẩm hương vị đặc biệt nhất có lẽ chỉ có thể tìm được tại nơi đây vùng quê Lạc Đạo thanh bình, với nghề nấu rượu lạc đạo truyền thống có hàng trăm năm. Thật không quá lời khi nói rượu Lạc Đạo chỉ dành cho những người sành rượu, biết thưởng thức rượu.
Là một loại rượu ngon hiếm thấy, xưa rượu Lạc Đạo cũng được dùng để cung tiến vua chúa. Rượu Lạc Đạo nổi tiếng từ thế kỷ 16 dưới thời Trạng nguyên Dương Phúc Tư – ông Tổ họ Dương của người Làng Ngọc. Đến Lạc Đạo, người ta đã thấy mùi rượu nếp thơm phức tỏa ra ngào ngạt từ các làng nghề. Giá mỗi lít rượu dao động trong khoảng từ 50.000đ – 120.000đ tùy từng loại, ví như rượu nếp thơm, rượu nếp cái hoa vàng, rượu nếp cẩm.
Có ai đó vẫn nói rằng, khi thưởng thức rượu Bordeaux của Scotland, là họ đang thưởng thức từng bước nhảy hoan ca của những nàng thôn nữ trong những thùng nho căng mọng sự sống và tình yêu. Mảnh đất Á Đông thì vẫn truyền tụng câu nói: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Riêng với người Việt, rượu đã tượng trưng cho một tâm thức sống. Cút rượu quê trong một chiều yên ả sau những giờ lao động trên cánh đồng làng, bản thân nó đã tượng trưng văn hóa ngàn đời của cha ông. Chỉ gói lạc rang với một chút rượu Lạc Đạo cũng đủ làm vui và ấm lòng đôi bạn lâu ngày không gặp, cũng đủ để san sẻ cho nhau buồn vui trong cuộc sống. Câu chuyện về rượu của họ bắt nguồn từ việc tìm một vùng quê yên ả, thanh bình, một vùng quê có con đê làng ngan ngát gió để ươm những mầm thóc đầu tiên trên những thửa ruộng thẳng cánh cò bay. Khi nhấp một ngụm rượu ấm nồng, người thưởng thức sẽ ngửi được cả mùi hương lúa bay bay làm xao động lòng người, tưởng tượng ra được cả những buổi chiều thanh bình với tiếng gió reo ca trên cánh đồng mướt mát, óng vàng lúa chín.
Với những bí kíp riêng trong nghề nấu rượu không nơi nào có, rượu Lạc Đạo đã được đăng ký bản quyền. Được nấu theo phương pháp truyền thống và là sản vật dâng tiến lên vua hàng năm thời phong kiến, rượu Lạc Đạo là đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên và cũng là món quà quê tâm huyết của các nghệ nhân nấu rượu nơi đây muốn gửi tặng đến mọi người trên đất nước Việt Nam. Từng dòng nước trong lành mang theo mùi hương lúa nếp, mùi đồng quê, khói bếp, của sự giản dị trốn nông thôn cũng như con người nơi đây làm ta cảm ấm lòng. Với ý nghĩa đó, từ Hưng Yên, rượu Lạc Đạo đã tỏa đi khắp mọi miền, đến với những người sảnh rượu trên khắp cả nước.
Leave a Reply