Những biến tấu ngon độc lạ của bánh mì Hà Nội
Không chỉ là ổ bánh mì nhân thịt patê như chúng ta vẫn thường thấy, ở Hà Nội những tín đồ ẩm thực có thể tìm thấy vô số biến tấu bánh mì thú vị như: bánh mỳ cay Hải Phòng, bánh mì chảo, bánh mì nướng muối ớt…
Ở Việt Nam, bánh mì được xem là “linh hồn” của ẩm thực đường phố. Món ăn bình dị này từng vô số lần được vinh danh là một trong những món ngon và hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên, không phải bánh mì ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng giống nhau, ở mỗi nơi bánh mì lại có hương vị và hình dáng khác nhau.
Nếu đã sống ở Hà Nội lâu năm, chắc hẳn chẳng ai là không biết những ổ bánh mì trứng, bánh mì patê, bánh mì thập cẩm… đã quá quen thuộc với bữa sáng, bữa trưa hay một bữa xế chống đói của người dân thủ đô. Các hàng bánh mì cũng có mặt ở khắp nơi, là hàng rong hay các cửa hàng bánh mì trên các ngõ phố. Thế nhưng bài viết này không đề cập đến món bánh mì đã quá quen thuộc đó của người Hà Nội, mà chúng tôi muốn tập hợp những biến tấu bánh mì ở các nơi khác đã tràn vào và chiếm được sự yêu thích của người dân cũng như du khách.
Hà Nội không phải là thành phố của Việt Nam có món bánh mì nổi tiếng nhất, thế nhưng không phải vì vậy mà bánh mì ở Hà Nội kém ngon và phong phú. Tại đây bạn có thể tìm thấy rất nhiều những biến tấu bánh mì khác nhau, đều là đặc sản của địa phương nào đó, được người Hà Nội sưu tầm và phát triển để phục vụ thực khách thủ đô.
BÁNH MÌ HỘI AN
Được mệnh danh là “bánh mì ngon nhất thế giới” – bánh mì Hội An là món ăn đường phố được hầu hết du khách nước ngoài muốn được thưởng thức nhất khi đến với Việt Nam.
Bánh mì Hội An chỉ nhỏ bằng 4 ngón tay, dài chừng 20 cm và 2 đầu nhọn. Bánh có màu vàng óng và được nướng giòn trước khi cho nhân. Vì thế, thân bánh dày và giòn, ôm trọn phần ruột bánh mềm đặc. Đặc biệt, bánh mì luôn phải được giữ nóng, đảm bảo độ giòn nhưng không quá cứng của lớp vỏ và độ mềm, dai của bột bên trong.
Tuy chỉ là thức ăn nhẹ nhưng bánh mì là món ăn đòi hỏi một quá trình chế biến khá công phu, với nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi chiếc bánh mì Hội An được coi là nghệ thuật của sự sắp đặt ẩn chứa bên trong cung cách của người bán. Từ sự hòa quyện của các loại nước sốt, pate, thịt xíu, rau sống, đu đủ bóp chua… đầy đủ dinh dưỡng lại không ngán cho đến sự sắp đặt của các loại màu sắc sống động, hấp dẫn xanh đỏ, trắng, vàng… đều dễ dàng quyến rũ thực khách. Nhiều người sau khi ăn bánh mì Hội An đã nhận xét rằng món ăn này là một bản hòa ca của các loại hương vị, khiến thực khách nhớ mãi không quên.
Đặc biệt, gần đây trang web về du lịch nổi tiếng Traveller đã bình chọn bánh mì Hội An của Việt Nam thuộc một trong 10 món sandwich ngon nhất trên Thế giới bên cạnh bánh mì tôm hùm (Mỹ) hay Croque madame (Pháp), Bacon butty (Anh)…
BÁNH MÌ CAY HẢI PHÒNG
Là một trong những đặc sản vô cùng nổi tiếng của Hải Phòng, bánh mì cay khiến mê hoặc không chỉ người dân ở đây mà cả khách du lịch khi đến thành phố hoa phượng đỏ. Mặc dù “ngoại hình” có phần nhỏ bé hơn so với các loại bánh mì khác khi chỉ nhỉnh hơn hai đốt ngón tay, dài chừng một gang, nhân lại cũng “nghèo nàn” chỉ gồm duy nhất pate nhưng món ăn này dễ dàng khiến thực khách phải mê mệt.
Bánh mì cay Hải Phòng chỉ sử dụng loại nguyên liệu duy nhất là pate. Hầu hết các quán bán bánh mì cay có tên tuổi đều tự chế biến pate. Patê được chế biến từ gan lợn, mỡ phần và thịt nạc, thêm chút tiêu muối cho vừa miệng. Đặc biệt, thứ quyết định, tạo nên tên gọi của món ăn lại chính là thành phần gây “cay”, một loại tương ớt đặc biệt của người Hải Phòng mang tên chí chương. Chí chương được làm từ ớt, cà chua tươi bỏ hạt, tỏi băm nhuyễn, nêm thêm chút muối và trải qua quá trình lên men theo công thức gia truyền. Chí chương thơm ngon phải cay nồng và màu đỏ tươi bắt mắt.
Không cầu kỳ, không sang chảnh và cũng chẳng đắt đỏ, bánh mì cay chinh phục người ta bởi hương vị dân dã, giá cả lại phải chăng chỉ 3 – 5.000VND/cái. Chiếc bánh mì ấm sực, đưa lên miệng nhai cảm nhận rõ vị giòn của vỏ bánh, độ ngậy, mềm, thơm của patê, vị cay cay tê tê kích thích vị giác của tương ớt… tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn khiến thực khách mê say, khiến người đất cảng Hải Phòng nở mày nở mặt.
BÁNH MÌ NƯỚNG MUỐI ỚT
Bánh mì nướng muối ớt nguyên bản là món ăn vặt của người dân Khmer vùng Bảy Núi, An Giang. Món ăn này rất nổi tiếng và được bày bán ngày càng nhiều ở thành phố Long Xuyên, sau đó lan dần sang các vùng miền khác, đặc biệt tạo nên “cơn sốt” không hề nhỏ tại Sài Gòn. Thời gian gần đây, món ăn lạ miệng được này du nhập vào thủ đô Hà Nội và trở thành món ăn yêu thích của nhiều người.
Công đoạn chế biến bánh mì nướng muối ớt rất đơn giản. Bánh nguyên ổ ép dẹp cho lên vỉ nướng sơ, sau đó phết lên lớp bơ mỏng, nước sốt sate, lật bánh cho vàng rồi gắp xuống. Khi có khách đến mua, người bán mới đem bánh lên nướng lần hai cho bánh giòn, rắc nhân rồi cắt nhỏ. Gọi là bánh mì nướng muối ớt, nhưng thật ra bánh được nướng với hỗn hợp sate, ớt bột, pha thêm chút rượu, đường. Phần “nhân bánh” rắc bên trên cũng quan trọng không kém. Nhân thông thường có chà bông, ruốc xào, mỡ hành, trứng cút, đậu phộng, tương ớt, bơ, có nơi rắc thêm phô mai.
Một phần bánh mì nướng muối ớt thường có giá rất rẻ, chỉ từ 10 – 15.000VND/suất. Bánh có độ giòn khi được nướng trên than; vị mặn mặn cay cay của muối ớt, tương ớt; mùi bơ, chà bông, xúc xích thơm lừng, mỡ hành beo béo và cả vị mayonnaise ngòn ngọt vô cùng hấp dẫn. Mọi thứ kết hợp hài hòa đến hoàn hảo. Khiến người ta ăn 1 lần lại muốn ăn thêm nhiều lần sau.
BÁNH MÌ CHẢO
Thay vì thưởng thức những chiếc bánh mì kẹp đầy thức ăn kèm, thực khách ăn bánh mì chảo sẽ được phục vụ bánh mì riêng và thức ăn riêng. Và sau đó việc ăn kèm hay ăn từng thứ một là tùy vào ý thích và sự sáng tạo của bạn.
Chiếc chảo nhỏ nóng hổi chứa đầy thức ăn: patê, xúc xích, trứng, rau, khoai tây, nước sốt được bưng ra cùng đĩa bánh mì nóng giòn. Những thức ăn khác thì có vẻ khá giống với món bánh mì truyền thống thường thấy, chỉ có patê là khác biệt nhất bởi đó là patê rán thơm phức. Miếng patê vuôn vức nâu sậm hơi xém cạnh bốc khói khiến thực khách chỉ nhìn thôi đã phải nuốt nước miếng ừng ực. Lại thêm cả trứng vàng, dưa chuột xanh, xúc xích hồng hồng… Tất cả tạo nên bức tranh ẩm thực đầy màu sắc thu hút thực khách.
Bẻ một miếng bánh mì chấm nướt sốt trong chảo, lại thêm vài miếng thức ăn kèm. Quả thực là vị ngon không thể kể hết trong ngày mùa đông se lạnh. Nhiều người thường dùng thêm cả trà nóng hoặc sữa đậu nành để món ăn thêm đưa đẩy và không ngán. Giá một phần bánh mì chảo tại các quán dao động từ 25.000-35.000VND.
Món bánh mì sốt vang từ lâu đã quen thuộc với người dân Hà Nội. Món bánh mì kiểu Âu này cứ âm thầm mà trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân thủ đô bởi hương vị thơm ngon và ấm lòng, đặc biệt trong những ngày se lạnh. Không giống nhiều món ăn khác, bánh mì sốt vang phải ăn khi còn nóng hổi. Cảm giác có thể vừa thổi vừa ăn xua tan cái lạnh cực kỳ nhanh chóng. Xé lát bánh mì chấm gần ngập trong phần nước của bát sốt vang, đưa lên miệng đã cảm nhận được mùi thơm rất hấp dẫn.
Bát sốt vang đầy ú ụ, thịt bò mềm vừa ăn không bị nhừ quá. Cách chế biến khéo léo làm dậy mùi thơm nức mũi người ăn. Trong khi đó, phần nước với gia vị vừa phải, hơi sệt tạo độ sánh làm hấp dẫn nhiều người. Khi có khách ăn, người bán sẽ rải một lớp rau thơm xuống đáy bát, sau đó múc phần nước và thịt của sốt vang lên trên. Vị thơm của nước và rau thơm, mềm của thịt hòa quyện trong cái lành lạnh chiều đông thật không còn gì sánh được.
Với khoảng 30.000-40.000VND là thực khách đã có một phần sốt vang và sữa đậu nành vừa thỏa vị giác, vừa no nê, lại vừa hợp túi tiền của nhiều người.
BÁNH MÌ DONER KEBAB
Món ăn truyền thống của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ này xuất hiện ở Việt Nam vài năm trở lại đây nhưng đã nhanh chóng lan rộng và phổ biến với người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Hà Nội. Chẳng vậy mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy món ăn này ở khắp mọi nơi ở Hà Nội.
Đặc điểm nhận biết là các xe đẩy hoặc các tủ kính có trưng tảng thịt lớn được quay chín đầy quyến rũ. Và khi có khách gọi bánh, chủ quán nhanh tay dùng con dao lưỡi dài cắt trực tiếp thịt từ tảng thịt lớn thành những miếng nhỏ rồi kẹp vào trong chiếc bánh mì tam giác đặc trưng hoặc ổ bánh mì truyền thống thường thấy, sau đó lại cho thêm cả rau dưa, nước sốt… Lúc này chiếc bánh đã đầy ắp nhân, chủ quán tiếp tục cho bánh vào máy nướng ấn dẹp xuống để bánh đạt độ nóng giòn hoàn hảo nhất. Từng đầy công đoạn nhưng được thực hiện vô cùng nhanh chóng, chẳng mấy chốc túi bánh mì nóng hổi đã đến tay thực khách.
Bánh mì doner kebab ăn khi còn nóng hổi là ngon nhất. Cắn một miếng bánh giòn tan có cả thịt ướp đậm đà, rau dưa hòa quyện cùng nước sốt thơm ngậy. Thực khách cứ thế ăn thêm rồi lại thêm nữa mà chẳng biết ngán. Món bánh mì này vừa có nét văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ, vừa gần gũi với khẩu vị của người Việt Nam, tạo nên một biến tấu lạ miệng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, giá của mỗi chiếc bánh khá to và đầy đặn nhân chỉ từ 20.000-40.000VND.
Leave a Reply