Chợ cá lớn nhất thế giới ở Nhật Bản bị đóng cửa hay dời địa điểm?

Chợ cá lớn nhất thế giới Tsukiji là điểm du lịch hút khách ở Nhật Bản, hoạt động suốt 83 năm qua. Song, việc đóng cửa, chuyển khu chợ này đến địa điểm mới đã gây nhiều tranh cãi.

Chợ cá Tsukiji tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) với những phiên đấu giá cá ngừ độc đáo là một trong những điểm du lịch hút khách bậc nhất xứ sở mặt trời mọc. Chợ cá lớn nhất thế giới này đã hoạt động suốt 83 năm qua, song vừa đóng cửa hôm 6/10 để chuyển đến địa điểm mới, cách đó gần 2,5 km. Vị trí chợ cũ sẽ là bãi đỗ xe tạm thời cho Olympic Tokyo 2020 trước khi trở thành một trung tâm du lịch.


Sau 17 năm trì hoãn, chợ cá Toyosu mới chính thức đi vào hoạt động hôm 11/10 với diện tích gấp đôi chợ cá cũ, cùng hệ thống cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn. Tuy vậy, quyết định này đã và vẫn đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều người dân.


Chợ cá Tsukiji cũ vốn nằm ở Tsukiji, thuộc khu vực trung tâm Tokyo, nơi mệnh danh là “bếp ăn của Nhật Bản”. Cạnh chợ là khu thương mại Ginza sầm uất với vô số cửa hiệu, nhà hàng, quán ăn… Việc phải di dời đến địa điểm khá xa khiến nhiều người dân hoạt động trong chợ Tsukiji lo ngại đời sống kinh tế của họ sẽ bị ảnh hưởng.


Các phiên đấu giá cá ngừ diễn ra vào sáng sớm là một nét đặc trưng của chợ cá lớn nhất thế giới ở Nhật Bản. Vào thời điểm này, hội trường đấu giá trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết bởi tiếng chuông, tiếng hét của những người tham gia giao dịch muốn tranh giành để có được sản phẩm tốt nhất trong ngày. Sau khi chợ chuyển đến vị trí mới, hoạt động này vẫn diễn ra bình thường và đón du khách tham quan. Cá ngừ đông lạnh trước khi tham gia đấu giá được kiểm tra chất lượng gắt gao.


Cá ngừ tươi sống thường chỉ được giữ đông dưới 24 giờ từ khi đánh bắt. Sau đó, người bán cá phải làm sạch và rã đông những con cá có kích thước khổng lồ này.


Biểu cảm vui mừng của người tham gia một trong những phiên đấu giá cá ngừ đầu tiên vào ngày khai trương chợ cá Toyosu mới.


Người ta ước tính rằng thị trường chợ cá lớn nhất thế giới ở Nhật Bản trị giá khoảng 4-5 tỷ USD mỗi năm. Những con cá ngừ tươi sống, chất lượng tuyệt hảo ở đây có thể được bán với giá hàng triệu USD. Trong đó, “ngôi sao” đích thực, đắt giá nhất chính là cá ngừ vây xanh Thái Bình Dương, được mệnh danh “vua sushi” Nhật Bản.


Cá ngừ sau phiên đấu giá được cắt thành miếng nhỏ để có thể bán cho những nhà hàng sushi hàng đầu trong thành phố. Một số người bán thậm chí sẽ xoa bóp thân mình hoặc… trò chuyện với cá khi tiến hành phân chia thịt cá ngừ.


Ngoài những bất tiện về vị trí, nhiều người dân ở đây còn có nỗi lo khác. Vị trí chợ Toyosu hiện nay từng là nhà máy khí đốt. Năm 2016, người ta tìm thấy các chất độc hại vẫn còn lưu lại trong đất và nước ngầm ở đây. Chính quyền Tokyo phải chi thêm khoảng 34 triệu USD (792.2 tỷ đồng) để giải quyết vấn đề này.


Dù chính quyền đã tuyên bố sự an toàn của địa điểm xây dựng chợ cá mới, nhiều người dân vẫn tỏ ra hoài nghi về kết luận này. Một nghiên cứu của nhóm phản đối việc di chuyển chợ cá cho thấy hơn 80% thương lái không tán thành quyết định dời địa điểm.


Tuy vậy, chợ Toyosu vẫn đi vào hoạt động theo kế hoạch, thay thế chợ cá Tsukiji đã xuống cấp cả về cơ sở vật chất lẫn điều kiện y tế, vệ sinh.


Không chỉ đấu giá cá ngừ, tại chợ Toyosu còn diễn ra những phiên đấu giá các sản vật khác, ví dụ như wasabi, một gia vị đặc biệt trong ẩm thực Nhật Bản, chủ yếu được dùng cho các món sushi, sashimi…


Bà Yuriko Koike, nữ thống đốc đầu tiên của Tokyo đang tiến hành kiểm tra các khu vực buôn bán ở chợ Toyosu mới trong ngày khai trương.


Bà bày tỏ mong muốn phát triển thương hiệu Toyosu ngày một tốt hơn, trở thành thị trường cốt lõi không chỉ của Tokyo mà cả Nhật Bản. Tuy nhiên bà cũng thừa nhận rằng người dân có thể sẽ mất chút thời gian để làm quen với khu chợ mới này.

Cùng Danh Mục:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *