Thưởng thức bánh xèo vỏ Bình Định để cảm nhận được hương vị độc đáo
Những ngày mưa đến khiến một người con xa nhà như tôi nhớ đến một món ăn giản dị từ tên gọi đến cách chế biến. Người quê tôi chắc chẳng có ai còn xa lạ với món bánh xèo vỏ Bình Định.
Gọi là bánh xèo vỏ vì bánh không có nhân, chỉ có một màu trắng tinh tươm của gạo và thêm chút màu xanh của lá hành được xắt nhỏ trộn với bột để tăng thêm mùi thơm. Chỉ đơn giản vị béo béo bùi bùi của bột gạo cùng vị mằn mặn ngọt ngọt của nước mắm và mùi thơm của hành lá cũng đủ làm nên hương vị khó quên của món ăn mộc mạc bánh xèo vỏ Bình Định.
Thưởng thức bánh xèo vỏ Bình Định ăn kèm với năm nêm và rau sống
Bánh xèo vỏ Bình Định ra đời như thế nào?
Bánh xèo vỏ Bình Định có nguồn gốc ra đời hết sức giản dị như cái tên của nó. Đó là những ngày mưa dai dẳng và người nông dân không thể ra đồng cấy cày, cũng không thể đi chợ vì trời mưa lạnh giá. Trong nhà chỉ độc mỗi gạo, vậy là họ lấy gạo đem xay thành bột, cứ thế mà thêm ít dầu, đổ vào làm thành từng cái bánh, ăn không với nước mắm cho qua bữa. Món bánh xèo vỏ Bình Định ra đời từ đó.
Gọi là bánh xèo vỏ vì bánh không có nhân, chỉ có một màu trắng tinh tươm của gạo
Để có được những chiếc bánh xèo vỏ Bình Định?
Để có được món bánh xèo vỏ Bình Định, gạo phải được vo gạch, ngâm qua đêm cho mềm, xay thành bột, nấu nước sôi pha vào bột cho vừa, nếu pha loãng thì khi đúc ra bánh sẽ bị nhão, mất ngon. Còn nếu pha đặc thì bánh sẽ cứng, ăn như ăn bột. Thêm ít hành lá xắt nhỏ cho vào bột để bánh xèo khi ăn có thêm hương vị.
Bột gạo được pha vừa tay, thêm ít hành lá xắt nhỏ
Đặt khuôn lên lò than hừng, thoa đều một lớp dầu, đợi khuôn dầu nóng lên thì đổ bột vào tráng cho bột chảy đều khắp khuôn. Có lẽ trong quá trình đúc bánh, khi bột được cho vào chiếc chảo tráng ít dầu đang nóng trên bếp lửa, thì có tiếng “xèo xèo” vang lên, nên bánh được gọi là “bánh xèo”. Khi bánh chín, mùi thơm của bột gạo lẫn mùi hành lá thơm lừng nức mũi đến nao lòng.
Lò than đỏ rực và những khuôn bánh quen thuộc
Nhiều người không quen thì có thể ăn cùng mắm trong hay xì dầu, nhưng thưởng thức món bánh xèo vỏ Bình Định đúng điệu phải ăn cùng chén mắm đục (hay còn gọi là mắm nêm). Trộn nước mắm với vài tép tỏi, ít trái ớt kim cùng với đường đã được giã nhuyễn, cho thêm chút chanh, đánh đều lên thành chén mắm với đủ vị cay cay, mằn mặn lẫn ngọt ngọt hấp dẫn. Nước mắm ấy, mà chấm với bánh xèo vỏ, ai một lần từng thử qua, thì sẽ nhớ mãi.
Chén mắm đục (còn gọi là mắm nêm với vài tép tỏi, ít trái ớt kim giã nhuyễn)
Bánh xèo vỏ Bình Địnhphải được thưởng thức lúc vừa ra lò thì người ăn mới cảm nhận được hết cái hương vị thơm ngon, ấm lòng trong những ngày mưa lạnh giá. Chỉ dân dã mộc mạc vậy thôi nhưng cứ khiến người ăn thòm thèm và cứ muốn ăn mãi.
Leave a Reply