Món ăn chơi nơi quán cóc xưa dần bị lãng quên
Món ăn chơi nơi quán cóc xưa Nước vối hay trà vối được nấu từ nụ vối. Nước vối có màu đỏ nâu nhạt, uống có vị đắng nhẹ nhưng sau thấy hương thơm ngái và vị ngọt nơi cuối họng.
Khá tương đồng với thú vui trà đá vỉa hè ngày nay, những quán nước xưa cũng là nơi gặp gỡ bạn bè hoặc là điểm chọn dừng chân nghỉ ngơi cho những vị khách qua đường.
Nếu quán nước hiện đại thường bán thêm nước ngọt, kẹo cao su thì quán nước xưa có những món dân dã, mộc mạc mà khó quên.
1. Nước chè xanh, nước nhân trần, nước vối
Quán nước thuở xưa hầu hết đều có ba loại nước này. Ấy đều là những thức uống giải nhiệt rất tốt, chẳng cần thêm đá lạnh và uống vào vẫn thấy mát rượi, dễ chịu.
Khác với loại trà đá ngày nay thường dùng chè đã sao khô, các quán nước xưa chủ yếu có ấm ủ chè tươi. Chè tươi đun nước thơm lừng, vị ngái chát nhưng càng uống càng thấy ngọt mát và dễ chịu.
Món ăn chơi nơi quán cóc xưa Nước vối hay trà vối được nấu từ nụ vối. Nước vối có màu đỏ nâu nhạt, uống có vị đắng nhẹ nhưng sau thấy hương thơm ngái và vị ngọt nơi cuối họng.
Nước nhân trần là đồ uống mát bổ, giúp giải nhiệt hiệu quả. Những ngày hè nóng nực, cốc nhân trần là thứ thần dược giúp tỉnh táo tức thì của những vị khách ghé vào quán nước khi xưa.
2. Kẹo lạc
Trong số các món nhâm nhi tại quán nước, phổ biến hơn cả là kẹo lạc. Kẹo lạc được làm từ lạc nhân rang chín tới, bỏ vỏ rồi cho vào hỗn hợp đường mía đun chảy, có thể thêm gừng, vừng rang cho thơm rồi đổ ra mặt phẳng tráng dầu cắt nhỏ. Kẹo lạc ăn giòn, bùi, ngọt rất hợp vị với chén trà xanh chan chát. Kẹo lạc và nước chè xanh được ví von như “cặp đôi” không thể thiếu ở mỗi quán nước.
3. Kẹo dồi
Kẹo dồi có xuất xứ từ tỉnh Nam Định, ban đầu chỉ được bán trong các chợ ở một số làng quê trong tỉnh. Dần dần, nó đã trở thành một món quà quê, một đặc sản của vùng, tiến đến thành phố và tỏa đi nhiều nơi. Kẹo có lớp vỏ màu trắng đục, giòn tan, bao tròn lấy nhân lạc rang bùi thơm, ăn không bị quá ngọt hay ngấy. Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi là thứ quà nhâm nhi với nước chè xanh được nhiều người ưa chuộng.
3. Bánh chả
Chiếc bánh nhỏ nhắn, xinh xắn, vàng ươm gợi lên hình ảnh viên chả thịt băm nướng trên lò than củi. Nguyên liệu làm bánh chả gần giống với nguyên liệu làm bánh nướng trung thu, nhưng đơn giản hơn và ít thành phần hơn.
Chỉ cần mỡ phần, lá chanh, đường kính, muối tinh, bột mì, bột nếp là bạn đã có thể bắt tay vào làm bánh chả. Bánh chả có hương vị rất đặc trưng, khác hẳn các loại bánh khác, ấy là mùi thơm hăng của lá chanh, quyện với vị ngọt bùi, béo ngậy của mỡ lợn, cũng là món phù hợp vô cùng khi uống cùng nước trà xanh.
Bánh đậu xanh là món bánh ngọt đặc sản Hải Dương. Bánh được làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu thực vật hay mỡ động vật, thường là mỡ heo. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi. Bánh thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh. Trải qua cả trăm năm, hương vị bánh đậu xanh vẫn không bị thay đổi nhiều, trở thành nét văn hóa ẩm thực rất đỗi tự hào của người dân Hải Dương.
Ngoài ra, quán nước xưa còn không thể thiếu ống điếu với bọc thuốc lào, thứ khoái khẩu của các bác các ông. Dừng chân quán nước, châm đóm, rít lấy hơi thuốc dài, thả hồn thư thái theo khói thuốc rồi cười khà khoan khái với cô hàng nước là những hình ảnh khó quên ở mỗi quán nước đầu làng khi xưa.
Leave a Reply